(HNM) - Chỉ còn 4 tuần nữa (ngày 23-4), vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, nhiều nhận định cho rằng chưa có cuộc bầu cử nào tại nước này lại diễn ra trong tình trạng thiếu sinh khí và luôn bị ám ảnh bởi những bê bối của một số ứng cử viên như cuộc bầu cử năm nay.
5 ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee. |
Nhận định trên càng nhận được nhiều sự tán đồng sau cuộc tranh luận trên truyền hình mới đây giữa 5 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua vào Điện Elysee. Những phiên tranh luận giữa các đối thủ đã gây thất vọng cả về nội dung lẫn bầu không khí đối thoại. Nhiều ý kiến phân tích cũng cho rằng cuộc tranh luận được hơn 10 triệu người theo dõi này nặng về chiến thuật hơn là thực chất. Lý do là nội dung tranh cử đều đã được các ứng cử viên công bố trước đó khá lâu và hầu như không có “món mới” được đưa ra trong suốt thời gian tranh luận.
Mặt khác, tới thời điểm hiện nay, hầu như nét riêng của mỗi ứng cử viên đều đã bộc lộ khá rõ ràng. Cụ thể, ứng viên Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia thì chủ trương theo đuổi các chính sách khép kín và bài ngoại, như muốn rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), kiểm soát gắt gao người nhập cư và các cộng đồng Hồi giáo.
Trong khi đó, đại diện Francois Fillon của đảng Những người cộng hòa lại muốn duy trì đường lối cánh hữu cổ điển như cắt giảm đến 500.000 trong tổng số 5,4 triệu việc làm trong khu vực hành chính công của Pháp. Về phần mình, ứng viên tự do Emmanuel Macron của phong trào Tiến bước lại cổ vũ các chính sách kinh tế mở, ủng hộ tự do thương mại và đề cao vai trò của EU.
Cuối cùng, hai ứng cử viên cánh tả gồm Benoit Hamon của đảng Xã hội và Jean-Luc Melenchon của đảng Nước Pháp bất khuất lại hầu như trùng lặp về các quan điểm chủ đạo, đặc biệt trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Theo thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Harris tiến hành ngay sau cuộc tranh luận, ứng viên E.Macron - với cách thể hiện rất thận trọng và không nổi bật - được cử tri đánh giá là có màn “trình diễn” thuyết phục nhất với mức ủng hộ 38%, vượt trên đối thủ M.Le Pen và J.Melenchon (cùng giành được tỷ lệ ủng hộ 33%).
Trong khi đó, ứng cử viên F.Fillon chỉ chinh phục được 27% số người được hỏi. Ông E.Macron cũng chiếm ưu thế trong nhiều đánh giá tương tự khác còn cả 4 ứng viên còn lại đều nhận được kết quả không mấy chênh lệch và đều chỉ thua vài điểm phần trăm so với vị trí dẫn đầu. Kết quả này phản ánh sự đắn đo lớn trong tâm lý người dân Pháp.
Thực tế, trong những cuộc thăm dò dư luận gần đây, gần 1/3 cử tri nước này cho biết chưa quyết định có đi bỏ phiếu hay không và gần một nửa chưa quyết định nên chọn ứng viên nào. Với họ, cuộc tranh luận vừa qua một lần nữa khiến sự lựa chọn trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, trong cuộc đọ sức giữa hai ứng cử viên cùng cánh tả cũng có sự thay đổi khi từ chỗ được xem là nhân vật thứ tư, ông B.Hamon đang có nguy cơ bị ứng viên J.Melenchon qua mặt.
Đây được coi là chỉ dấu cho thấy phe cánh tả vốn luôn là đại diện mạnh nhất đang bị chia rẽ và suy yếu. Nếu xu hướng này tiếp diễn, nhiều khả năng ông E.Macron sẽ được tiếp thêm sự ủng hộ từ các cử tri của cánh tả để từng bước củng cố vị trí dẫn trước trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế lãnh đạo nước Pháp.
Có thể thấy, cuộc bầu cử lần này của Pháp không chỉ diễn ra trong bối cảnh có nhiều xáo trộn về chính trị mà còn trong sự chia rẽ của các đảng phái lớn. Thêm vào đó, việc các ứng cử viên hàng đầu như bà M.Le Pen và ông F.Fillon bị cáo buộc dính líu vào những bê bối tiền bạc và trở thành đối tượng bị điều tra khi thời điểm bỏ phiếu đã tới rất gần khiến hình ảnh về cuộc bầu cử tại Pháp càng trở nên u ám.
Tuy nhiên, cho dù ai giành được chiến thắng đều phải gánh vác trọng trách lớn lao. Đó là đưa đất nước ra khỏi những bất ổn về an ninh, ổn định tình hình chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.