Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi

Kim Nhuệ| 14/12/2020 06:24

(HNM) - Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát sinh nhiều vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa vào cuộc mạnh mẽ nên số lượng các vụ vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, còn tồn đọng khá lớn. Khắc phục tình trạng này như thế nào đang là vấn đề đặt ra đối với các đơn vị, địa phương của thành phố.

Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh để họp chợ và bắc cầu đi lại ở xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) cần sớm được xử lý.

Đảm nhiệm tiêu thoát nước cho khoảng 400ha đất sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 2 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ, tuy nhiên hiện kênh 7 có nhiều vị trí bị người dân xâm hại để làm cầu đi qua và xây tường rào trong phạm vi bảo vệ kênh nhằm phục vụ việc bán hàng, rửa xe… Tương tự, nhiều công trình thủy lợi quan trọng khác ở các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Bắc Từ Liêm… cũng bị xâm hại. Điển hình là vụ bà Nguyễn Thị Thiết ở xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) xây nhà cấp 4 rộng hơn 70m2 trên bờ hữu sông Nhuệ; ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa) xây 8 trụ cột trên bờ và mái trong của kênh Ngoại Độ...

Liên quan vấn đề trên, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng nói: “Phát hiện vi phạm trên hệ thống thủy lợi do đơn vị quản lý, chúng tôi đã lập biên bản và gửi hồ sơ về các xã, thị trấn xử lý theo thẩm quyền... Bởi theo quy định, các doanh nghiệp thủy lợi không có chức năng xử lý vi phạm...”.

Trao đổi về việc người dân bắc cầu qua kênh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) Tống Văn Thái cho rằng, những vi phạm này xuất phát từ nhu cầu sử dụng của người dân. Thời gian qua, UBND xã đã lập hồ sơ và đang vận động người dân tự tháo dỡ... Hơn nữa, để cưỡng chế vi phạm pháp luật về thủy lợi, xã cần rất nhiều thủ tục hành chính và mất nhiều thời gian...

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 240 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Tuy nhiên, các địa phương mới xử lý, giải tỏa 25 vụ, tồn đọng 215 vụ; trong đó, huyện Thường Tín chưa xử lý dứt điểm 77 vụ, Ứng Hòa 35 vụ, Phú Xuyên 20 vụ, Hoài Đức 13 vụ, Chương Mỹ 12 vụ…

“Sở NN&PTNT Hà Nội đã có rất nhiều văn bản đề nghị, đôn đốc các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp xử lý dứt điểm. Các địa phương phải chịu trách nhiệm trước thành phố nếu không xử lý kịp thời các vi phạm...”, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết.

Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân sắp tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi xử lý ngay những vụ vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi và khả năng tiêu thoát nước của các tuyến kênh, các trục tiêu chính, vi phạm xảy ra tại các công trình đầu mối... Các doanh nghiệp thủy lợi phân công cán bộ, công nhân viên tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương xử lý ngay vi phạm...

“Để chấn chỉnh công tác quản lý, thực hiện nghiêm Luật Thủy lợi, Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Công an thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm công trình thủy lợi... Theo đó, Công an thành phố sẽ tập trung đấu tranh những vụ vi phạm nghiêm trọng, phức tạp và đưa ra xét xử điểm để răn đe, phòng ngừa chung...”, ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.