Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vấn đề chưa giải quyết thỏa đáng

Hà Phong| 17/11/2015 06:26

(HNM) - Ngày 16-11, Quốc hội dành phần lớn thời gian chất vấn và trả lời chất vấn. Khác hẳn các phiên chất vấn ở những kỳ họp trước, lần này chất vấn được tiến hành như một cuộc

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn xung quanh việc đổi mới giảng dạy môn Lịch sử.Ảnh: TTXVN


Những bất cập từ thực tế vênh số liệu trồng rừng, "ứng xử với môn Lịch sử" và công tác phòng chống tham nhũng đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mổ xẻ, yêu cầu các tư lệnh ngành giải quyết thấu đáo.

Số liệu "nhảy múa"

Ngay đầu phiên họp, phiên chất vấn đã thực sự nóng khi các ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) lần lượt ấn nút, nêu quan điểm không hài lòng trước việc trồng rừng thay thế cho diện tích bị mất vì thực hiện các dự án thủy điện quá chậm, lại có sự vênh về số liệu. ĐB Trương Văn Vở thẳng thắn: "Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giải thích sự "nhảy múa" giữa số liệu về trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện khác biệt rất lớn so với số liệu của Bộ Công thương". ĐB Tô Văn Tám phản ánh có tình trạng nhiều chủ dự án hoàn thành công trình ảnh hưởng đến rừng nhưng không trồng rừng thay thế. ĐB Tám truy trách nhiệm: Tại sao khi xem xét phê duyệt dự án không tính đến vấn đề này, trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị, cá nhân nào?

Là vị trưởng ngành đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, tất cả yêu cầu của QH đã được Bộ nghiêm túc thực hiện. Kết quả có việc đạt tốt, có việc đạt, việc chậm so với yêu cầu. Với việc trồng rừng, vênh số liệu là do thời điểm thống kê. Trước đây, giai đoạn duyệt dự án thủy điện không có yêu cầu sát sao về trồng rừng, khi QH nhắc nhở, chúng ta mới siết chặt trồng rừng thay thế. "Chúng tôi đang yêu cầu doanh nghiệp (DN) thực hiện đúng luật. Dự kiến, đến hết năm 2015 sẽ đạt kế hoạch năm, mặc dù diện tích còn nợ trước đó chưa trả hết" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Về phía Bộ Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cung cấp thêm thông tin, để đẩy nhanh tiến độ, dự kiến DN không thực hiện trồng bù sẽ tạm thời ngưng hoạt động hoặc rút giấy phép.

Cũng bày tỏ sự không tin tưởng về công tác thống kê của Bộ NN&PTNT, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đang có trong tay kiến nghị của 40 DN kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đồng tình với quy định tại Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT - chỉ được đăng ký một hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV. Nhưng Bộ trưởng nói trong văn bản trả lời ĐBQH về vấn đề này là "đa số DN đã đồng ý". ĐB Tuyết phân tích: Xưa nay, một hoạt chất thuốc có thể tồn tại trong rất nhiều loại thuốc khác nhau. Câu hỏi lớn được ĐB Tuyết đưa ra là không mở rộng thị trường làm sao bảo đảm tính cạnh tranh? Có bao nhiêu nước trên thế giới có quy định tương tự Thông tư 21?

Không trả lời thẳng vào câu hỏi của ĐB Tuyết, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, trước Thông tư 21, trên thị trường đã có hơn 4.000 loại thuốc với hơn 1.700 hoạt chất, dẫn đến tình trạng loạn tên thuốc, khiến bà con bối rối khi lựa chọn, sử dụng. Việc có ý kiến của 40 DN chưa phải là đa số. "Thả" quá không giúp ích nhiều cho cạnh tranh DN, mà lại khiến người nông dân bị loạn thông tin.

Băn khoăn chất lượng giáo dục

Làm gì để cải tiến chương trình giáo dục, đặc biệt là phương pháp dạy và học môn Lịch sử; tình hình Biển Đông; tại sao chống tham nhũng chưa hiệu quả, tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"; chậm cụ thể hóa các chính sách khuyến khích DN đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất chưa được giải quyết… cũng là vấn đề ĐBQH đặc biệt quan tâm, mổ xẻ trong ngày 16-11. Việc cần tập trung làm rõ nhất là cách ứng xử với môn Lịch sử thế nào.

ĐB Lê Văn Lai (Đoàn Quảng Nam) đặt vấn đề, gần đây dư luận xã hội rất xôn xao về một vấn đề rất nhạy cảm, đó là đề xuất thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử từ một môn học độc lập thành một môn học tích hợp. "Sai lầm này không có chỗ cho sự khắc phục. Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có dám khẳng định trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề" - ĐB Lê Văn Lai đặt câu hỏi và yêu cầu tư lệnh ngành Giáo dục cho biết chính kiến về vấn đề này.

Khẳng định đúng là hiện nay dư luận rất quan tâm đến môn Lịch sử vì không thấy tên môn này trong chương trình bậc THPT, song Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, môn Lịch sử không bị coi nhẹ. So với các môn học, nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên. Có điều đáng lưu ý là dù khẳng định đây là phương án hợp lý, song Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: "Khi dư luận phân vân thì cần tiếp tục thảo luận. Nếu tích hợp mà vẫn bảo đảm thì sẽ tích hợp. Ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các chuyên gia và các nhà khoa học để có kết luận cuối cùng".

Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "phê" là cần tập trung hơn. Đến hết phiên chất vấn chiều 16-11, câu hỏi quan điểm của Bộ trưởng có nên coi Lịch sử là môn độc lập trong sách giáo khoa không của ĐB Lê Văn Lai vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Cho rằng, lập luận của người đứng đầu ngành Giáo dục chưa thật thuyết phục, ông Lai lập luận, thời lượng chỉ là một khía cạnh trong việc dạy và học. Còn yếu tố quyết định: Ai có thể tiến hành việc dạy tích hợp, liệu có xảy ra tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia không, Bộ chuẩn bị giáo viên cho việc giảng dạy tích hợp như thế nào thì chưa nhìn thấy sự chuẩn bị thấu đáo. Vì lý do này, nhân dân, phụ huynh thiếu tin tưởng vào phương án tích hợp của Bộ.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Chính phủ, Quốc hội lắng nghe, cầu thị


Rất nhiều vấn đề cử tri, ĐB phản ánh hoặc chuyển tải kiến nghị cử tri đã được Chính phủ và QH tiếp thu, điều chỉnh như, vấn đề thu phí đường bộ đối với xe mô tô, sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính đối với người cai nghiện, sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội… Điều này cho thấy tinh thần lắng nghe, cầu thị, khi nhận thấy không phù hợp thì cả QH và Chính phủ sẵn sàng sửa đổi, điều chỉnh.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu):
Bộ trưởng Cao Đức Phát chưa trả lời hết ý tôi hỏi


Tôi cảm ơn Bộ trưởng Cao Đức Phát đã lắng nghe nhưng Bộ trưởng chưa trả lời hết ý tôi hỏi. 40 DN phản ứng với Thông tư 21 nhưng Bộ trưởng nhận định chưa phải là nhiều thì bao nhiêu là đáng xem xét? Trong quá trình chất vấn, tôi hỏi có bao nhiêu nước có quy định tương tự Thông tư 21, Bộ trưởng cũng chưa trả lời được. Cá nhân tôi cho rằng, quy định như vậy là không thống nhất với Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai):
Chưa hài lòng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo


Tôi rất thông cảm với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), vì đây là Bộ có đặc thù công việc gắn với những vấn đề dân sinh, bức xúc. Vì vậy cần thận trọng trong làm chính sách, vì đối tượng tác động là cả một thế hệ. Chẳng hạn, dư luận đang rất bức xúc với việc tích hợp môn Lịch sử. Bộ nói tích hợp 3 môn lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng an ninh. Nhưng làm sao có thể làm như vậy trong khi Luật Giáo dục quốc phòng an ninh vừa thông qua và đang triển khai. Tích hợp là xóa sổ một đạo luật. Đây không phải là quyền hạn của một Bộ. Vì vậy, phải thận trọng...

ĐB Lê Như Tiến (Đoàn Quảng Trị):
Ý nghĩa của chất vấn là truy rõ trách nhiệm của người do Quốc hội bầu, phê chuẩn


Trong ngày chất vấn đầu tiên, bên cạnh một số ĐB hỏi tương đối trọng tâm thì có một số vị phát biểu như kiểu đánh giá lại phần thảo luận KT-XH. Nếu phát biểu lại cũng đánh giá tình hình thì không còn ý nghĩa chất vấn. Chất vấn là quy trách nhiệm người đứng đầu - những người do QH bầu và phê chuẩn chứ không phải là đi đánh giá lại tình hình, nói lại báo cáo của Chính phủ. Cải tiến quá trình chất vấn là tốt nhưng nên nêu ra từ đầu mục đích của chất vấn theo kiểu tổng hợp này thế nào, để người hỏi và người trả lời đề cập trực tiếp vào vấn đề. Việt Nga lược ghi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vấn đề chưa giải quyết thỏa đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.