(HNM) - Nhìn tổng thể trong toàn bộ Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013, chương VIII về Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (KSND) chứa đựng khá nhiều điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn. Thay đổi này đồng thời đặt ra yêu cầu cần thể chế hóa một cách đầy đủ, kịp thời trong nhiều luật liên quan và có sự điều chỉnh thích ứng trong công tác tổ chức và hoạt động giám sát tư pháp. Cô đọng, chặt chẽ
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Bùi Thế Đức, khác với chương về TAND, Viện KSND trong Hiến pháp năm 1992 gồm 15 điều, Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 chỉ có 8 điều, thể hiện logic, chặt chẽ, đi từ vị trí, vai trò, nguyên tắc hoạt động đến tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của mỗi cơ quan.
Theo Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013, TAND được tổ chức "gồm TAND tối cao và các tòa án khác do luật định", "Viện KSND gồm Viện KSND tối cao và các viện kiểm sát khác do luật định". Hiến pháp cũng bổ sung quy định TAND không những là cơ quan xét xử mà còn thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân. Đối với Viện KSND, Hiến pháp nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ pháp luật, bảo vệ con người, bảo vệ quyền công dân.
Những đổi mới trên hoàn toàn phù hợp với tư duy xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là đề cao quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp, mở đường cho việc thực hiện Kết luận số 79KL/TƯ về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra của Bộ Chính trị và tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó, trong tương lai hệ thống tòa án sẽ được tổ chức thành 4 cấp, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính như hiện nay, gồm: TAND sơ thẩm khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao và TAND tối cao. Hệ thống viện kiểm sát cũng được tổ chức thành 4 cấp phù hợp với hệ thống tổ chức của TAND.
Đặc biệt, tại khoản 1, Điều 103, chương VIII Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 nêu: "Việc xét xử sơ thẩm của TAND có hội thẩm nhân dân tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn có thể là quy định mở để tiếp tục cải cách chế định hội thẩm nhân dân" - GS, TS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp nhận định.
Sửa luật - yêu cầu tiên quyết
Cũng theo GS, TS Trần Ngọc Đường, để đưa các nội dung mới nói trên vào cuộc sống, trước tiên phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời các quy định mới của Hiến pháp vào các đạo luật về tổ chức và hoạt động của TAND, Viện KSND cũng như các luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Theo kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của TAND, Viện KSND phải được trình QH xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp tháng 5-2015. Quá trình chuẩn bị, rất nhiều vấn đề sẽ phải cụ thể hóa. GS, TS Trần Ngọc Đường cho rằng, trước hết, phải trả lời câu hỏi thế nào là thực hiện quyền tư pháp. Chỉ khi làm rõ khái niệm đó các nhà làm luật mới cụ thể hóa được trong các luật về tổ chức của tòa án. Về chức năng, nhiệm vụ của tòa án, viện kiểm sát, Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 xác định nhiệm vụ hàng đầu của tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và quyền công dân thì về tổ chức, hoạt động của tòa án có gì mới so với trước không cũng cần tính đến. Cũng như vậy, cần làm rõ, viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì có gì khác với tòa án từ nhận thức đến tổ chức và hoạt động. Tiếp nữa, với nguyên tắc việc xét xử sơ thẩm của TAND có hội thẩm nhân dân tham gia, khác với quy định trước đây khi xét xử hội thẩm ngang quyền với thẩm phán, vấn đề đặt ra là cần có sự đổi mới gì về chế định hội thẩm nhân dân, số lượng hội thẩm nhân dân so với thẩm phán trong các phiên tòa sơ thẩm quy định như thế nào, số lượng hội thẩm nhân dân có nhiều hơn số lượng thẩm phán trong phiên tòa sơ thẩm như hiện nay hay không? Đặc biệt, làm thế nào để hội thẩm nhân dân tham gia xét xử một cách thực chất không hình thức như hiện nay cũng là vấn đề thời sự cần có lời giải thỏa đáng…
Một vấn đề khác đang được quan tâm là các thay đổi về quy mô, tổ chức của TAND, Viện KSND trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong hoạt động giám sát cho tương xứng. Hiện nay có hai mảng giám sát rất quan trọng đối với hoạt động tư pháp, đó là giám sát của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, HĐND các cấp) và giám sát của MTTQ Việt Nam, các cơ quan thông tin truyền thông. Nhưng khi quan điểm đổi mới tổ chức các cơ quan tư pháp không phụ thuộc vào đơn vị hành chính được vận dụng thì quy định Ban Pháp chế HĐND có nhiệm vụ giúp HĐND giám sát hoạt động của TAND, Viện KSND cùng cấp như hiện nay không còn phù hợp. Giải quyết những khó khăn nêu trên chính là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của thực tiễn nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm tính đồng bộ trong đổi mới tổ chức các cơ quan tư pháp với việc hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.