Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều văn bản ban hành trái luật: Cơ chế hậu kiểm chưa đủ mạnh

Hà Phong| 28/01/2014 06:32

(HNM) - Theo TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), việc tổ chức pháp chế ở nhiều địa phương, bộ, ngành mỏng, yếu, thành lập chưa đúng tinh thần Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ mà Báo Hànộimới phản ánh trong số báo ra ngày 25-1, gián tiếp đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trái pháp luật… Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn TS Lê Hồng Sơn xung quanh câu chuyện này.

- Ông đánh giá thế nào về lực lượng pháp chế hiện nay?

- Trước tiên phải nói thế này, Báo Hànộimới nêu vấn đề chậm thành lập tổ chức pháp chế ở nhiều địa phương, thành lập chưa đúng tinh thần Nghị định 55/2011/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và nhìn rộng ra trong toàn bộ hệ thống công chức, sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ trong việc tham mưu, hoạch định thể chế, chính sách là nguyên nhân chất lượng văn bản QPPL chưa cao là đúng. Bức tranh pháp luật của ta, "mảng sáng" là cơ bản, nhưng vẫn còn những "mảng tối". Tôi muốn nói tới những văn bản vô thưởng, vô phạt, thiếu tính khả thi, không giúp ích gì cho đời sống xã hội, cho công tác quản lý vẫn còn nhiều. Số liệu về kết quả công tác kiểm tra văn bản QPPL trong cả nước đã chỉ rõ những điều này. 10 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 90 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm. Đáng chú ý trong số hơn 90 nghìn văn bản này, có khoảng gần 10 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ.

Từ việc trình độ người soạn thảo văn bản còn hạn chế cũng cho thấy, nhiều lúc người đứng đầu đã khoán trắng cho cấp dưới, thiếu chỉ đạo sát sao. Thậm chí, còn có cả yếu tố lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, ngành và cũng không loại trừ có tiêu cực tham nhũng chi phối.

- Dư luận cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều văn bản có "sạn" còn do quy trình, thủ tục xây dựng, thẩm định rườm rà. Ông đánh giá gì về nhận định này?

- Cũng không hẳn như vậy. Với quy trình, thủ tục hiện hành nếu tổ chức thực hiện cho nghiêm chỉnh, bài bản, thực chất thì mức độ sai không như vừa qua. Vấn đề là nhiều nơi triển khai một cách hình thức hời hợt, làm cho có, đối phó…

- Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thông điệp nhân dịp năm mới, trong đó đề cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm chất lượng xây dựng văn bản QPPL. Là người chịu trách nhiệm "gác cửa" trong kiểm tra, rà soát văn bản, theo ông, các bộ, ngành cần triển khai thông điệp của Thủ tướng như thế nào để mang lại kết quả tối ưu?

- Thông điệp là một dấu ấn cực kỳ quan trọng. Người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp khẳng định, yêu cầu nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chất lượng xây dựng văn bản QPPL. Tôi cho rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền đặt ra nhiều yêu cầu, nhiều mục tiêu cần được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và phải có lộ trình.

Điểm đáng chú ý là không thể xây dựng nhà nước pháp quyền với một hệ thống văn bản QPPL chất lượng yếu, có nhiều tồn tại, hạn chế. Hệ thống văn bản QPPL vừa phải là sản phẩm, vừa là công cụ của nhà nước pháp quyền. Cao hơn nữa, đây là công cụ để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, ngoài việc đề ra chế tài khắc phục những lỗ hổng chính sách, nâng cao trình độ, quy định trách nhiệm những người xây dựng, hoàn thiện chính sách, cần đề cao công tác hậu kiểm hơn nữa. Có như vậy mới khuyến khích người có trách nhiệm ký duyệt văn bản trăn trở, căn chỉnh, hoàn thiện trước khi ký quyết định ban hành.

- Thời gian qua có khá nhiều văn bản trái pháp luật được ban hành. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà chưa có chế tài xử lý người ban hành văn bản trái luật cũng như chưa thấy có việc bồi thường thiệt hại nào cho người dân, doanh nghiệp do văn bản trái luật gây ra. Ông nghĩ gì về điều này?

- Đây là vấn đề đáng lưu tâm. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật. Đồng ý đây là việc cực kỳ khó nhưng vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Về vấn đề xử lý người tham mưu, ban hành văn bản trái luật thì đây cũng là một câu chuyện cần phải bàn. Hiện nay, các quy định để xử lý đã có, tuy chưa thật cụ thể. Theo tôi biết, hình thức cắt thi đua nhiều nơi làm rồi còn cách chức, buộc thôi việc người tham mưu, ban hành văn bản sai thì chỉ có một số ít trường hợp. Về xử lý hình sự, tôi thấy chưa có phiên tòa nào xử riêng đối với tội phạm này, loại sai phạm này.

Để xảy ra tình trạng như vậy, tôi cho rằng một phần nguyên nhân cũng do cơ chế "hậu kiểm" thiếu sức mạnh cần thiết vì quyền của chúng tôi chỉ dừng ở mức tham mưu, thông báo kiến nghị, không có quyền trực tiếp xử lý, hủy bỏ, bãi bỏ. Tôi luôn mong Việt Nam áp dụng cơ chế tài phán mà nhiều nước đã sử dụng từ lâu như cơ chế bảo hiến, cơ chế tuyên hủy của tòa đối với văn bản trái pháp luật...

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều văn bản ban hành trái luật: Cơ chế hậu kiểm chưa đủ mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.