Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều tuyến đê đã xuất hiện sự cố: Phải xử lý trách nhiệm

Bài, ảnh: Hoàng Văn| 23/07/2014 06:20

(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2014, trên hệ thống đê điều của Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt sự cố sạt lở, lún sụt...

Sạt lở bờ tả sông Bùi tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ.


Hà Nội có 626,124km đê đã được phân cấp, hằng năm đều được đầu tư nâng cấp, tu bổ, bảo đảm công tác phòng chống lũ, lụt. Tuy nhiên, hệ thống đê điều Hà Nội nhiều năm chưa qua thử thách với lũ nên tiềm ẩn nhiều sự cố khó lường. Mới đầu mùa mưa năm 2014, hệ thống đê điều của Hà Nội đã xuất hiện nhiều sự cố sạt, trượt, xói, lở. Có mặt tại điểm sạt lở bờ hữu sông Hồng, thôn Đông Viên, xã Đông Quang (huyện Ba Vì), chúng tôi không khỏi giật mình trước một vạt đất dài hơn 500m, rộng 10-15m trượt xuống mép sông, kéo theo hơn 30 ngôi nhà của các hộ dân nứt toác, nghiêng sụt. Chị Nguyễn Thị Sang, thôn Đông Viên cho biết: Mỗi khi nước sông Hồng lên xuống, đất đai, hoa màu lại bị cuốn trôi, nhà cửa nứt toác, lún sụt. Nhiều gia đình phải sơ tán đi nơi khác, chỉ còn những gia đình khó khăn, không còn đất, đành chấp nhận sống chung với "tử thần".

Trên các tuyến đê ở huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn cũng xảy ra hơn 20 điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, thành phố đã kiểm tra và cho xử lý cấp bách 18 điểm như: Sạt lở đê hữu Đáy tại xã Hương Sơn, xã Vạn Kim, xã Phùng Xá (Mỹ Đức); sụt lún mặt đê tả Đuống ở xã Xuân Canh (Đông Anh); sạt bờ sông Hồng tại xã Phương Độ (Phúc Thọ); lún, sụt bờ tả sông Bùi, xã Quảng Bị (Chương Mỹ)...

Ngoài những sự cố sạt lở, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 112 vụ vi phạm đê điều nhưng chỉ xử lý được 11 vụ, còn tồn đọng 101 vụ. Đối với những địa bàn xảy ra vi phạm có tính chất phức tạp, quy mô lớn, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý nghiêm như: Đổ phế thải, dựng lều lán, nhà cửa trên bãi sông Hồng tại quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; đắp ngang lạch Vĩnh Xuân cản trở dòng chảy, thoát lũ tại huyện Phú Xuyên; khai thác cát trái phép tại huyện Thường Tín, Phú Xuyên; lập bến bãi chứa vật liệu xây dựng tại huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh... Tuy nhiên, tình trạng vi phạm cũ chưa xử lý dứt điểm đã phát sinh vi phạm mới đang là tiếng chuông báo động về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đê điều.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ của các hạt quản lý đê điều còn mang tính hình thức, chưa có các giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Chi cục Đê điều đã phối hợp với các địa phương tổ chức đóng cọc bê tông, dựng barie, thuê cân tải trọng để kiểm tra, xử lý xe quá tải đi trên đê… Song, theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, những giải pháp này chỉ là tạm thời. Về lâu dài, UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT cần sớm hoàn thành công tác cắm mốc giới để phân định rõ ranh giới giữa hành lang đê, hành lang thoát lũ với khu dân cư và các công trình khác. Đồng thời, thực hiện các giải pháp công trình, ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án phục vụ công tác quản lý đê như: Xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê; nâng cấp, gia cố, tăng tải trọng thiết kế mặt đê; xây dựng mố hạn chế xe quá tải trọng đi trên đê... Bên cạnh đó, phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ xã, thôn, quận, huyện đến thành phố để xử lý dứt điểm những vi phạm, nếu không hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước đầu tư tu bổ cho đê điều trở nên vô nghĩa.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Chi cục Đê điều và PCLB, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu: Cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là công tác quản lý trật tự xây dựng ở các xã, phường, quận, huyện ven đê; tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đê điều. Trước mắt, các địa phương cần rà soát, phân loại những vi phạm cũ, vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều để xử lý dứt điểm. Đối với những vi phạm dựng lều lán, mái che, mái vẩy, chính quyền địa phương cần chủ động giải tỏa khi mới phát sinh...
Phát sinh thêm 20 vụ vi phạm Luật Đê điều

(HNM) - Trong tháng 7, toàn thành phố phát sinh thêm 20 vụ vi phạm Luật Đê điều ở 11 quận, huyện với quy mô khá nghiêm trọng. Cụ thể, có 8 vụ đào móng nhà, xây dựng nhà cấp 4, công trình phụ, tường chắn, trụ cổng trong phạm vi bảo vệ đê; 1 vụ chứa chất tải lên phạm vi bảo vệ đê; 2 vụ đào xẻ đê, xây dốc và 9 vi phạm khác. Các vụ vi phạm này đã được Hạt Quản lý đê lập biên bản vi phạm và ra quyết định tạm đình chỉ gửi tới chính quyền cơ sở để xử lý. Tuy nhiên, chỉ có huyện Ba Vì và Đông Anh xử lý được 2 vụ. Vụ thứ nhất, Công ty Điện lực Ba Vì đã đắp trả mái đê thượng lưu và hạ lưu từ K4+130 đến K4+700 đê hữu Hồng, xã Cổ Đô (Ba Vì). Vụ thứ hai, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng sông Hồng sử dụng xe vượt tải trọng cho phép đi trên đê từ K56+000 đến K57+820 tuyến đê tả Hồng, Hạt Quản lý đê số 4, Thanh tra Giao thông vận tải huyện Đông Anh, Công an xã và UBND xã Hải Bối phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, lập biên bản vi phạm và có quyết định xử phạt 4 triệu đồng.

Thúy Nga
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tuyến đê đã xuất hiện sự cố: Phải xử lý trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.