Chiều 26-8, tại Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học.
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là hơn 1 triệu thí sinh. Đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục Mầm non là gần 66%, năm 2022 chỉ có 61,34%. Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển gần 3,4 triệu. Thí sinh thi tốt nghiệp THPT giảm vào năm 2023 nhưng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với năm 2022; thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 chiếm 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Đặc biệt, thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9 % so với năm 2022. Bên cạnh đó, thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển 5 nguyện vọng đầu tiên chiếm 85,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển và trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, năm 2023, các trường có nhiều phương thức xét tuyển quá phức tạp, nhiều nơi chưa bảo đảm công bằng, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý...
Còn về kiểm định giáo dục đại học, tính đến ngày 31-7-2023, toàn quốc có 1.263 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận. Trong đó, có 864 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và 399 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài. Có 183 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 9 cơ sở được kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong QS AUR 2023 gồm các trường: Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Duy Tân; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Huế; Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Đà Nẵng; Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, có 9 trường đại học lọt vào bảng xếp hạng của THE, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Phenikaa và Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh.
Về công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra hành chính 7 cơ sở, 11 chuyên ngành, thanh kiểm tra với 80 cơ sở giáo dục đại học. Qua thanh tra, ra 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (từ năm 2022 đến tháng 8-2023). Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Văn bản chỉ đạo, giám sát của Đảng ủy, Hội đồng trường, Hiệu trưởng không ban hành, ban hành nhưng không đúng quy định của pháp luật, không rà soát cập nhật văn bản pháp luật mới; chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.