Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều trẻ nhập viện vì thời tiết sáng lạnh, trưa nóng

Thu Trang| 14/03/2023 17:18

(HNMO) - Thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch lớn như hiện nay khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, những ngày này, số lượng bệnh nhi nhập viện gia tăng. Trong đó, một số trẻ bị nặng, nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, viêm phổi…

Số ca mắc RSV đang ở mức cảnh báo

Vào thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhi nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV) đang có xu hướng tăng hơn 20-30% so với trước. Riêng tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi ngày tiếp nhận 150-160 bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, trong đó có khoảng 30 bệnh nhi nhiễm RSV.

Bệnh nhi được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Nằm trên giường bệnh, bé N.T.H (hơn 1 tháng tuổi, ở Hà Nội) vừa trải qua 2 ngày phải thở ô xy do nhiễm RSV. Mẹ bé chia sẻ: “Trước khi vào viện, con sốt 38 độ. Sau đó, diễn biến bệnh rất nhanh với các biểu hiện khó thở, khò khè. Khi gia đình đưa con đến Trung tâm Hô hấp thì bé đã bị suy hô hấp”.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, RSV là loại vi rút có thể gây bệnh quanh năm, nhưng nghiên cứu của thế giới chỉ ra, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 3 và tháng 8 hằng năm.

Thống kê của Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, số ca mắc RSV đang ở mức cảnh báo. Từ đầu năm 2023 đến ngày 5-3, tổng số ca nhiễm RSV ghi nhận trong toàn bệnh viện là 1.025 trường hợp. Chỉ tính riêng từ ngày 1-3 đến 5-3 là 157 ca mắc. Điều đáng nói, bệnh đang có xu hướng diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

Bệnh nhi mắc RSV điều trị tại Trung tâm Hô hấp.

Tương tự, những ngày gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận số trẻ nhập viện rất đông. Bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó Trưởng khoa Nhi Hô hấp của bệnh viện cho biết, hầu hết bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản cấp, thậm chí hen phế quản.

Các bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ tiến triển khá nhanh. Trẻ có thể bị sốt cao, khó thở, suy hô hấp chỉ sau vài ngày mắc bệnh. Vì vậy, khi trẻ nhập viện, đa số bé đã ở tình trạng nặng. Thậm chí, có những trẻ chỉ trong một vài tháng đã tái nhiễm các bệnh lý về đường hô hấp từ 2-3 lần.

Qua thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi, bác sĩ Phan Thị Kim Dung lưu ý, không ít cha mẹ khi con ho, sốt, sổ mũi… đã tra cứu trên mạng cách điều trị và tự chẩn đoán bệnh cho con mình. Hậu quả, không ít trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng theo cách học được trên mạng.

“Khi đọc các bài viết chia sẻ trên mạng xã hội về loại thuốc này, thuốc kia tốt, không ít bà mẹ đã tùy tiện sử dụng cho con mình mà không cần biết bé có chính xác bị bệnh đó hay không. Hậu quả là khi nhập viện, trẻ đã rơi vào tình trạng nặng, bị kháng thuốc...”, bác sĩ Phan Thị Kim Dung chia sẻ.

Phòng bệnh lây lan, lây nhiễm chéo trong bệnh viện

Thời tiết giao mùa như hiện nay có rất nhiều loại vi rút gây ra các bệnh lý về đường hô hấp cho trẻ, song vi rút hợp bào hô hấp (RSV) được nhiều chuyên gia ví như “kẻ thù” hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi, có các bệnh nền là đối tượng dễ mắc vi rút này nhất.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, ở nhiều trường hợp, trẻ mắc RSV có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, các bệnh nhi sinh non, có bệnh lý nền… khi mắc RSV, bệnh có thể diễn biến nhanh, để lại di chứng nặng nề như suy hô hấp hấp, thậm chí tử vong.

Để phòng tránh bệnh lây lan, lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tại Trung tâm Hô hấp, tất cả các bệnh nhân mắc RSV đều được cách ly và điều trị riêng.

Bệnh nhi mắc RSV được điều trị cách ly, riêng biệt.

Hiện, vi rút hợp bào hô hấp chưa có vắc xin đặc hiệu. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các gia đình nên sử dụng các phương pháp phòng bệnh như duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Trẻ nên bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bên cạnh đó, các gia đình cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; thường xuyên vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay cho trẻ. Khi trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang, giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bệnh…

“Nếu trẻ có biểu hiện triệu chứng sốt, ho, thở nhanh thì phải lập tức đưa tới cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh, tìm căn nguyên để điều trị kịp thời”, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh lưu ý.

Đối với các bệnh lý về đường hô hấp nói chung, theo bác sĩ Phan Thị Kim Dung, khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, cha mẹ có thể tự điều trị triệu chứng tại nhà trong 2-3 ngày đầu tiên. Cụ thể, có thể hạ sốt cho trẻ bằng thuốc ho thảo dược và làm sạch đường hô hấp bằng cách nhỏ nước muối sinh lý.

Ngoài ra, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ ăn, uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật, tuyệt đối không được ăn kiêng. Cụ thể, cho trẻ bú sữa như bình thường, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hóa và giảm bớt nôn trớ. Cùng với đó, bảo đảm trẻ được vệ sinh thân thể và sống trong môi trường sạch sẽ, tránh ở những nơi ẩm thấp.

“Trong quá trình chăm sóc trẻ, khi thấy các bé có tiến triển xấu đi như ho nặng hơn, thở nhanh, mất nước, rút lõm lồng ngực, tiêu chảy quá nhiều, viêm kết mạc…, cha mẹ phải đưa con đến bệnh viện”, bác sĩ Phan Thị Kim Dung khuyến cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trẻ nhập viện vì thời tiết sáng lạnh, trưa nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.