Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe và giàu dinh dưỡng hơn thịt lợn

Thu Trang| 26/05/2020 20:48

(HNMO) - Thịt lợn là một trong những loại thịt thông dụng nhất trong mâm cơm của người Việt. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe hơn thịt lợn.

Trước tình hình giá thịt lợn "leo thang" từng ngày, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác thay vì quan niệm thịt lợn là món không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày.

Thịt lợn không phải sự lựa chọn duy nhất trong bữa cơm hằng ngày

Những nguồn cung cấp protein lành mạnh

Do thịt lợn nhiều ngày nay tăng giá, quầy thịt của chị Vân tại chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) ế khách. Chị Vân cho biết, giá thịt lợn tăng kèm theo nắng nóng khiến sức mua của người tiêu dùng giảm khoảng 20-30% so với bình thường. Cụ thể, thịt vai, mông sấn có giá 180.000 đồng/kg; thịt ba chỉ từ 150.000-170.000 đồng/kg; sườn thăn bỏ cục 190.000-200.000 đồng/kg...

Đối với đa số bà nội trợ, việc giá thịt lợn tăng "chóng mặt" không thực sự ảnh hưởng nhiều đến bữa cơm gia đình. Chị Lê Huyền (33 tuổi, ở khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết: "Nếu trước đây nhà tôi sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày thì nay, tôi chỉ chế biến các món ăn từ thịt lợn trong 2-3 bữa/tuần. Thay cho thịt lợn, tôi sử dụng các thực phẩm khác, như: Tôm, cua, cá, trứng, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thịt ngan... để bữa ăn không bị nhàm chán mà vẫn bảo đảm đủ dinh dưỡng, tiết kiệm chi tiêu". 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, người tiêu dùng có thể tìm kiếm hàm lượng đạm giàu có như thịt lợn trong một số loại thực phẩm, như: Tôm, cua, cá, trứng, rau củ, các loại hạt. Thậm chí, một số loại thực phẩm còn có hàm lượng protein (chất đạm) cao hơn cả thịt lợn. Cụ thể, trong 100g thịt lợn ba chỉ chứa 16,5g đạm, trong khi 100g thịt bò chứa 21g đạm, thịt vịt có 17,8g đạm, tôm đồng có 18,4g đạm, cá thu có 18,2g đạm, cá rô đồng có 19,1g đạm, ếch chứa hàm lượng đạm tới 20g, hàm lượng đạm ở lươn là 20g...

Ngoài ra, các thực phẩm thực vật, như: Đậu đen, đậu tương, đậu xanh, lạc, vừng... ghi nhận hàm lượng đạm cao hơn nhiều lần so với đạm trong thịt lợn. Đơn cử chỉ với 100g đậu tương đã chứa 34g đạm; hay trong 100g đậu xanh có 23,4g đạm; 100g lạc có 27,5 g đạm...

"Hiện nay, giá thịt lợn rất cao, người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế, có giá tiền thấp hơn, như: Cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng…, giá trị dinh dưỡng cũng rất cao và tốt cho sức khỏe", bác sĩ Nguyễn Văn Tiến nói.

Phòng bệnh từ dinh dưỡng hợp lý

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm, như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư... Đây là các bệnh có liên quan đến chế độ ăn uống.

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh, việc ăn nhiều thịt, ít rau xanh liên quan trực tiếp đến tình trạng béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, điểm bất hợp lý nữa trong khẩu phần ăn của người Việt là chưa coi trọng dinh dưỡng từ các loại hạt. Thực tế, người dân nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với người dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hơn, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.

Thạc sĩ Vũ Thị Huế, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cũng cho rằng, các loại thịt gia cầm, như: Thịt gà, thịt vịt, thịt ngan, thịt ngỗng... được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp protein lành mạnh nhất với sức khỏe. Cụ thể, thịt gia cầm ít cholesterol hơn hẳn các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò), từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, phần lớn thành phần chất béo của thịt gia cầm lại là các chất béo không bão hòa, tốt cho sức khỏe. Một loại thực phẩm nữa tốt cho sức khoẻ là cá. Cá có hàm lượng protein dồi dào và rất giàu omega 3 - loại axit béo không no thiết yếu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, mất trí nhớ, viêm khớp...

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Do đó, các bà nội trợ cần bảo đảm sự đa dạng cũng như thay đổi hợp lý giữa các nguồn thực phẩm, từ đó giúp cung cấp đủ dinh dưỡng, bảo vệ sức khoẻ cho mỗi thành viên trong gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe và giàu dinh dưỡng hơn thịt lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.