Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều rủi ro khi sinh con sau tuổi 35

Thu Trang| 27/03/2023 07:29

(HNM) - Xu hướng kết hôn và sinh con muộn ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Trong tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em” vừa được ban hành, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo, mẹ trên 35 tuổi và bố trên 45 tuổi có nguy cơ sinh con bị khuyết tật. Các bác sĩ sản khoa cũng cho rằng, mang thai sau tuổi 35 ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé.

Siêu âm, tầm soát dị tật ở thai nhi tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Xuân Lộc

Dị tật thai nhi tăng theo tuổi mẹ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện phụ sản, thực trạng người mẹ mang thai khi đã lớn tuổi cùng những ảnh hưởng về sức khỏe của mẹ và bé không phải hiếm gặp. Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mổ cấp cứu cho một sản phụ (40 tuổi, ở tỉnh Cao Bằng) bị tiền sản giật nặng ở gần tuần thứ 30 của thai kỳ, bé sơ sinh chào đời chỉ nặng có 800g do thiếu ô xy và dinh dưỡng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, khoa Sản bệnh A4 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), tiền sản giật và sản giật là một bệnh lý sản khoa hay gặp ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ từ 2 đến 8%. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai nhi.

Không chỉ trường hợp nêu trên mà với những sản phụ khi mang thai sau tuổi 35 thì nguy cơ tiền sản giật sẽ càng cao. Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản trung ương) cho biết, phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề về bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ. Đơn cử như với các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Bản thân quá trình mang thai cũng sẽ làm cho các bệnh lý nền sẵn có như: Tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận của người mẹ nặng lên. Người mẹ cao tuổi thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý trong thai kỳ tăng cao hơn như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật đẻ non hay sẩy thai. Như một vòng xoắn bệnh lý, quá trình mang thai làm cho sức khỏe người mẹ kém đi. Khi người mẹ không khỏe thì lại càng ảnh hưởng đến thai nhi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, phụ trách Đơn vị can thiệp bào thai (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) lưu ý, nếu mang thai sau tuổi 35, thai phụ có thể sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng như: Sẩy thai, sinh non, thai lưu, tiền sản giật, thai ngoài tử cung… Ngoài ra, nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ. Mẹ càng lớn tuổi thì khả năng phôi bị rối loạn nhiễm sắc thể càng cao.

Các nhà di truyền học đã chứng minh rằng, khoảng 50% phôi người sau thụ tinh bị rối loạn nhiễm sắc thể. Tỷ lệ này còn tăng cao khi bà mẹ trên 35 tuổi, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down (khuyết tật về trí tuệ), Edwards (chậm phát triển và có thể bị dị tật bẩm sinh)... Theo các nghiên cứu, người mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250, đến 30 tuổi là 1/952 nhưng trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.

Ba lưu ý khi mang thai sau tuổi 35

Theo tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em” được Bộ Y tế ban hành, hiện Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-17 (chiếm 3,1%). Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ là vận động và ngôn ngữ, trong đó do yếu tố bẩm sinh chiếm 55%-65%, còn lại do bệnh tật. Để sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh, hạn chế các rủi ro và nguy cơ dị tật, theo các bác sĩ sản khoa, độ tuổi sinh con tốt nhất ở một phụ nữ là từ 20 đến 29. Đây cũng là độ tuổi dễ thụ thai, đến tuổi 30 chỉ có 20% cơ hội thụ thai mỗi tháng; 40 tuổi chỉ còn 5%.

Bác sĩ Phạm Minh Giang, khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phụ sản trung ương) khuyến cáo, khi sinh con ở độ tuổi từ 35 đến 40, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy cơ nên việc giữ gìn sức khỏe trước, trong khi mang thai vô cùng quan trọng. Do đó, người phụ nữ ở độ tuổi này khi mang thai cần phải thăm khám định kỳ ở những cơ sở y tế tin cậy và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, nếu người phụ nữ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần được bác sĩ điều trị và tư vấn kỹ để kiểm soát tốt các tình trạng này khi mang thai.

Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản trung ương) cũng đưa ra 3 lưu ý cho những phụ nữ mang thai muộn sau 35 tuổi. Thứ nhất, người phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai. Nếu không đủ điều kiện về sức khỏe thì không nên cố mang thai. Thứ hai, trong quá trình mang thai phải sàng lọc dị tật, theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai kỳ. Thứ ba, phụ nữ mang thai nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm để tăng cường sức đề kháng cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều rủi ro khi sinh con sau tuổi 35

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.