Sau vụ hỏa hoạn khiến 13 người tử vong vừa qua, hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Nội đã tháo dỡ các biển quảng cáo sai quy định.
Chiều 5-11, ghi nhận của PV tại hàng loạt tuyến phố được coi là “thủ phủ” karaoke tại Hà Nội như: Nguyễn Khang, Quan Hoa, Trần Thái Tông, Nguyễn Ngọc Vũ…, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đa phần đã và đang tháo dỡ những tấm biển quảng cáo sai quy định.
Theo số liệu của UBND quận Cầu Giấy, địa bàn quận này có tổng cộng 99 quán karaoke, trong đó 11 quán không có giấy phép, hiện quận đã yêu cầu đóng cửa số quán karaoke này. 88 quán còn lại phải tháo dỡ các biển, bảng quảng cáo không phù hợp, nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Tại đường Quan Hoa, hầu hết quán karaoke đều treo biển thông báo tạm nghỉ để sửa chữa. Một chủ quán karaoke trên tuyến đường này cho biết sau khi UBND quận Cầu Giấy yêu cầu tạm đình chỉ toàn bộ cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn, anh đã cho một số nhân viên tạm nghỉ. Hiện tại, quán đang sửa chữa một số hạng mục, đồng thời bổ sung các điểm còn thiếu về PCCC.
Tương tự, dọc tuyến đường Nguyễn Khang, nhiều quán karaoke cũng đóng cửa im lìm từ vài ngày nay. Một số quán đã tháo dỡ toàn bộ phần biển quảng cáo phía trước, số khác cũng đang thuê người tới phá bỏ. Một chủ quán karaoke tại đây cho hay từ sáng 5-11, anh đã thuê bốn người thợ để tháo dỡ biển quảng cáo, do quán tạm dừng hoạt động nên hầu hết nhân viên đều được nghỉ, số còn lại cùng tham gia vào việc dỡ biển.
Biển quảng cáo “siêu khủng” là điểm nổi bật của các quán karaoke trên địa bàn TP Hà Nội. Theo lời các chủ quán, biển càng to, càng màu sắc và nhiều chi tiết nổi bật thì càng dễ thu hút khách tới hát. Hơn thế, biển quảng cáo cũng thể hiện phần nào sự sang trọng của quán, do đó mỗi quán hát “mọc” lên sau đều cố gắng trang bị biển quảng cáo to hơn, màu sắc hơn quán trước.
Tuy nhiên, chính việc trang bị biển quảng cáo “siêu khủng” lại là một trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy quán karaoke trong thời gian vừa qua. Không chỉ vậy, biển quảng cáo tại các quán này phần lớn đều vi phạm quy định về kích thước. “Để làm một biển to như thế này cũng tốn cả chục triệu đồng, bây giờ lại phá đi, còn phải mất tiền thuê người phá” - một chủ quán nói.
Theo quan sát, phần lớn biển quảng cáo khổ lớn đều có phần khung vít chặt vào phần mặt trước tòa nhà. Nền biển được làm chủ yếu bằng tôn hoặc nhựa, kèm theo đó là rất nhiều hệ thống dây điện, đèn LED trang trí. Với hàng ngàn đèn nhỏ cùng dây điện chằng chịt như vậy, nguy cơ xảy ra chập cháy là hoàn toàn có thể xảy ra.
Sau khi tháo dỡ, những phần kim loại hoặc nhựa từ biển quảng cáo được các chủ quán bán lại cho những người mua sắt vụn. Một phụ nữ thu mua phế liệu trên đường Quan Hoa cho biết chị được chủ quán karaoke gọi đến để thanh lý biển quảng cáo, giá mua là 3.000 đồng/kg. Từ hai ngày trở lại đây, chị và đồng nghiệp ít đi thu mua dạo hơn, vì dọc tuyến đường này đang có rất nhiều quán karaoke đang tháo dỡ biển quảng cáo.
Theo Luật Quảng cáo, kích thước biển hiệu được quy định như sau: Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2 m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 m, chiều cao tối đa là 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành…
Trước đó, ngày 1-11, vụ hỏa hoạn tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến 13 người thiệt mạng. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu dẫn tới vụ hỏa hoạn khủng khiếp trên là do các thợ hàn trong quá trình hàn biển quảng cáo đã bất cẩn, dẫn tới chập cháy. Đây cũng chính là nguyên nhân của hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các quán karaoke trong thời gian vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.