Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều người bệnh chết vì thiếu nguồn ghép tạng

Gia Phong| 07/09/2015 15:57

(HNMO) - “Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép tạng trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn”...


Từ ca ghép tạng xuyên Việt

5 giờ sáng ngày 5-9, BV Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) đã tiến hành thành công 2 ca ghép tạng, một ca ghép gan và một ca ghép tim. Điều đặc biệt của ca ghép tạng hư hữu này là nguồn tạng hiến từ người cho chết não ở TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy khối tim, gan từ người hiến tạng đã phải di chuyển quãng đường hơn 1.700km ra Hà Nội trong tối 4-9 để kịp thực hiện ca ghép.

Bệnh nhân được ghép tim sau 53 giờ đã có thể cười nói


Tính đến ngày 7-9, 53 tiếng sau khi ca phẫu thuật ghép tim hoàn thành, sức khỏe của bệnh nhân Nguyễn Văn H. (37 tuổi) đang tiến triển khả quan. Ngay sau ghép, tim mới đã đập ngay mà không cần phải có hỗ trợ của các trang thiết bị. Hiện tại, các chỉ số sinh học, tinh thần bệnh nhân khá thoải mái. Bệnh nhân đã ăn được cháo và đang được chăm sóc đặc biệt để tránh nhiễm khuẩn. Thậm chí, khi phóng viên đến thăm, bệnh nhân còn giơ hai tay chào với nụ cười rất tươi. Với bệnh nhân này, trước khi được ghép tim, cuộc sống chỉ được tính từng tuần do bệnh giãn cơ tim quá nặng.

Cùng được cứu sống nhờ ca ghép tạng “xuyên Việt”, sức khoẻ bệnh nhân nam 60 tuổi cũng đang ổn định với lá gan mới từ người cho chết não. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết thông báo, ngay sau phẫu thuật, lá gan ghép đã hoạt động, có màu hồng nhờ được máu nuôi dưỡng, có dịch mật. Trước đó, bệnh nhân ghép gan có tiền sử viêm gan B, xơ gan, ung thư gan có chỉ định ghép gan để kéo dài sự sống.

Nói về hai ca ghép đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim và lồng ngực của BV Việt Đức chia sẻ, không thể nói hết niềm sung sướng khi bệnh nhân của mình được cứu sống. Trong lần ghép tạng đặc biệt này, tất cả đều cố gắng hết sức mình, tính đến mọi tình huống xấu nhất. Khoảng 70 y bác sĩ của BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã cùng tham gia, phối hợp nhịp nhàng từ quá trình lấy tạng, vận chuyển đến ghép tạng.

Các bác sĩ cũng đã nhận được sự giúp đỡ tối đa của cơ quan hàng không, An ninh sân bay để vừa đảm bảo tối đa an toàn cho chuyến bay nhưng vẫn hỗ trợ được các bác sĩ làm tròn nhiệm vụ bảo quản tạng. “Tim và gan mỗi khối được bọc riêng các lớp trong túi bảo quản. Bọc bên ngoài là túi đá lạnh để duy trì nhiệt độ phù hợp. Ngoài ra trong quá trình vận chuyển còn phải bơm thêm dung dịch bảo quản để tim, gan được giữ nguyên không bị hỏng. “Suốt chặng đường 1.700 km, chúng tôi phải 4 lần bổ sung thêm dung dịch đặc biệt, trong khi với ca ghép thông thường lấy tạng ở gần, chỉ cần xử lý một lần”, bác sĩ Nguyễn Hữu Ước cho biết.

Được biết, đây là ca ghép gan thứ 25 và ghép tim thứ 11 mà BV Việt - Đức đã thực hiện thành công nhưng là ca ghép đầu tiên nguồn tạng hiến được vận chuyển bằng đường hàng không.

Đến việc thiếu trầm trọng nguồn hiến tạng

Ghép mô, tạng là thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, suy gan, suy tim, suy tủy… Cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, mô. Trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng cho rằng, trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân sống khoẻ sau 5 năm ghép tạng lên tới 80-90%. Còn tại BV Việt-Đức, bệnh nhân đầu tiên được ghép gan từ năm 2007, hiện sức khỏe vẫn tiến triển tốt và đang sống tại Anh cùng con. Bệnh nhân được ghép tim lâu nhất đã sống thêm gần 5 năm, hiện sức khoẻ cũng ổn định. Một cơ thể bị chết não có thể ghép cho khoảng 10 bệnh nhân. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là nguồn hiến tạng. Ngay tại BV Việt-Đức trung bình mỗi ngày có từ 2-3 trường hợp chết não có thể cho tạng. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, BV mới chỉ xin được 26 trường hợp chết não đồng ý hiến tạng.

Khan hiếm nguồn tạng khiến nhiều bệnh nhân tử vong trong thời gian chờ ghép. Trong khi đó nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, ngưng tim vì tai nạn giao thông lại không được sử dụng. Phó Giám đốc BV Việt-Đức Trịnh Hồng Sơn dẫn chứng, có trường hợp xảy ra tại Hà Nội, người anh bị chết do tai nạn giao thông. Vợ con và gia đình đã đồng ý hiến thận của người anh cho người em trai ruột đang chờ ghép thận. Thế nhưng, đến phút cuối cùng để tiến hành các thủ tục ghép, người em út trong gia đình không đồng ý. Kết quả là người em trai đã chết vì không có thận để ghép. “Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh, tuy vậy nguồn cho lại hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của nhân dân về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao”, bác sĩ Trịnh Hồng Sơn nói.

Thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 30-6, Việt Nam chỉ có 1.011 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, một ca ghép tụy và 1.401 ca ghép giác mạc. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép, trên 1.500 người được chỉ định ghép gan và hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó 6.000 ca đang chờ được ghép giác mạc… Chi phí cho một ca ghép tạng trong nước chỉ bằng 1/4 so với nhiều nước phát triển và trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người bệnh chết vì thiếu nguồn ghép tạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.