Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều khuyến nghị hỗ trợ lao động nữ di cư

Mai Hoa| 14/11/2022 17:01

(HNMO) - Có nhiều bằng chứng cho thấy lao động nữ di cư có ít lựa chọn, và thường phải làm những công việc dễ bị tổn thương, phải đối mặt nhiều rủi ro như quấy rối tình dục, lạm dụng và bóc lột, không trả lương và trả lương thấp, bảo vệ và an sinh xã hội không đầy đủ...

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan tại lễ công bố “Báo cáo nghiên cứu về nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia ASEAN”, tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, chiều 14-11, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại lễ công bố.

Lễ công bố báo cáo quan trọng này do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức. Đây là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì, với sự hỗ trợ của Chương trình Di cư an toàn và công bằng thuộc chương trình hợp tác ASEAN/ILO và Ban Thư ký ASEAN.

Yêu cầu cấp thiết

Lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á, và di cư nội khối có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới 1/3 trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022.

Chiếm một phần lớn trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, nữ lao động di cư cũng đã khẳng định được vai trò của mình trong di cư quốc tế và nội khối, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực.

Tuy nhiên, như nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, lao động nữ di cư đã và đang phải đối với với nhiều bất bình đẳng đan xen. Trước những thách thức và rủi ro mà lao động nữ di cư đã và đang gặp phải, Việt Nam đã đề xuất thực hiện Dự án nghiên cứu về lao động nữ di cư trong chính sách và luật pháp của các nước thành viên ASEAN. Dự án hướng tới tìm hiểu về các quy định hiện tại của lao động di cư nữ, tìm ra những khoảng trống trong quy định và chính sách của các nước, phát hiện những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm đáng quý nhằm thúc đẩy hài hòa các quy định của các nước và trong khu vực, hướng tới bảo vệ tốt hơn lao động di cư nữ trong thời gian tới.

Quang cảnh lễ công bố.

Những khuyến nghị hữu ích

Trong khuôn khổ lễ công bố báo cáo, đại diện phụ trách các cơ quan chuyên ngành của ASEAN về lao động, phụ nữ; đại diện Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em; đại diện Ban Thư ký ASEAN; đại diện của các tổ chức quốc tế… đã có nhiều khuyến nghị nhằm khẳng định quyền của lao động nữ di cư, phát huy vai trò các tổ chức công đoàn phụ trách lao động nữ di cư; tạo cơ chế hỗ trợ sự tham gia của lao động nữ di cư trong hoạch định chính sách.

Nhiều vấn đề được nêu lên, bao gồm: Làm thế nào giúp lao động nữ di cư dễ dàng tiếp cận thông tin, có kỹ năng, năng lực bảo vệ mình tốt hơn để không phải chịu bất công và chính sách phân biệt đối xử? Các quốc gia thành viên ASEAN nên điều chỉnh, ban hành chính sách thế nào để cân bằng quyền giữa lao động di cư và lao động trong nước?...

Nhìn chung, nhiều khuyến nghị đề cập việc tăng cường các khóa đào tạo cho lao động nữ di cư trước khi xuất khẩu lao động, tổ chức các đường dây “hotline” hỗ trợ; đồng thời, xây dựng khung chính sách của khu vực ASEAN, cân nhắc việc đối xử công bằng lao động nữ di cư như lao động tại nước sở tại về lương, thưởng, chế độ đãi ngộ…; bổ sung quy định phải có phòng riêng cho lao động nữ di cư làm giúp việc; không để gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm…

Chia sẻ với các đại biểu tại chương trình, bà Ingrid Christensen - Giám đốc ILO Việt Nam và ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đều khẳng định, đây là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ về những mối quan tâm, cùng đưa ra các giải pháp thiết thực, thúc đẩy hợp tác liên ngành nhằm tăng cường quyền năng và bảo vệ tốt hơn cho người lao động di cư tại từng nước tiếp nhận, phái cử và trên cả khu vực.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ, là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) và một số công ước của ILO liên quan đến bình đẳng giới và việc làm, Việt Nam luôn chú trọng tính nhạy cảm giới trong luật pháp và chính sách quốc gia, thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực.

Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1-2021 đã giảm số năm chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ từ 5 (60-55) xuống còn 2 (62-60). Nhiều nghề hoặc công việc lúc trước cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ họ thì giờ đây đã mở rộng đối với lao động nữ và cho họ quyền lựa chọn làm hoặc không làm.

Để bảo đảm chia sẻ trách nhiệm gia đình, Bộ luật Lao động cũng quy định nam giới có quyền được nghỉ khi vợ sinh con nhỏ, thay vì chỉ có người mẹ được nghỉ thai sản. Và lần đầu tiên, khái niệm về quấy rối tình dục được đưa vào Bộ luật Lao động, làm cơ sở pháp lý cho việc xác định rõ ràng hơn những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Gần đây nhất, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sửa đổi năm 2020 đã lồng ghép để giải quyết các vấn đề về giới, bất bình đẳng giới vào những nội dung chính sách như bổ sung các hình thức hợp đồng; minh bạch hóa việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ các hoạt động mang tính chất phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức cho lao động nữ di cư, có nhắc đến các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ nông thôn và phụ nữ thuộc nhóm yếu thế khác; quy định rõ việc người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị ngược đãi, quấy rối tình dục…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khuyến nghị hỗ trợ lao động nữ di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.