Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều khách hàng bị "sập bẫy" lừa mua sim tứ quý

Theo Dân Trí/Công an nhân dân| 24/09/2013 11:09

Nếu muốn chiếm đoạt sim nào, Hiếu và Việt gọi điện thoại để hướng dẫn nhân viên đại lý của mình điền thông tin thay đổi trên hệ thống của Viettel...

Ngày 31/12/2012, qua mạng Internet, anh Nguyễn Cảnh T., trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh thấy một đối tượng ở Hà Nội giao bán sim tứ quý 09….7777. Theo những gì mà giới chơi sim đẹp “luận” thì số thuê bao có đuôi 7777 có ý nghĩa là “an bề gia thất”, như vậy thì công việc gia đình mới yên ổn, người chủ số thuê bao an tâm làm ăn, mọi việc được suôn sẻ.

Chính vì thế nên anh T. đã nhờ bạn là anh Nguyễn Tiến H., trú tại Đống Đa (Hà Nội) đứng ra giao dịch mua sim giúp mình. Đến ngày 3/1, anh H. được 2 đối tượng bán sim hẹn đến cửa hàng Viettel trên phố Văn Cao, Hà Nội để thực hiện việc mua bán. Tại đây, hai đối tượng đọc danh sách các số điện thoại liên lạc gần nhất với thuê bao 09…7777 để khai báo thông tin và sao CMND của một đối tượng để làm những thủ tục cần thiết theo quy định của nhà mạng. Thấy mọi việc mua bán rất chi…hợp pháp nên anh H. đã giao ngay 24 triệu đồng để mua sim “tứ quý” trên.

Hiếu và Việt đã chiếm đoạt khoảng 150 sim điện thoại số đẹp để rao bán với giá rẻ hơn so với thị trường. Ảnh minh họa


Đến ngày 11/1, anh H. làm thủ tục chuyển chủ quyền sim lại cho bạn mình là anh Nguyễn Cảnh T. tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi anh T. mới sử dụng sim đẹp được vài hôm thì bất ngờ bị cắt liên lạc. Bức xúc, anh tìm đến điểm giao dịch của Viettel để khiếu nại thì được biết, chiếc sim này đang có tranh chấp nên nhà mạng thu về kho để chờ xử lý. Tương tự, khoảng đầu tháng 1/2013, anh L.Q.M., 30 tuổi, trú tại Đông Anh (Hà Nội) cũng bị “sập bẫy” bán sim đẹp 097…8888 với giá 35 triệu đồng.

Tính đến ngày 20/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hiếu, 28 tuổi, trú tại Từ Liêm, Hà Nội và Nguyễn Duy Việt, 28 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu của cơ quan Công an, tháng 4/2011, Hiếu và Việt góp vốn thành lập công ty cổ phần truyền thông Nhất Lộc Phát (là đại lý cấp II của Viettel, trụ sở tại Từ Liêm, Hà Nội). Khoảng tháng 8/2012, một đối tượng là bạn của Hiếu, trước đây làm việc tại Tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel nhưng do vi phạm kỷ luật đã bị đuổi việc, xin vào làm việc tại công ty Nhất Lộc Phát.

Do từng làm việc tại tổng đài Viettel, nên đối tượng này biết được thông tin về số điện thoại đẹp của các khách hàng và cách thức để chiếm đoạt sim số đẹp đó. Đối tượng này đã bàn bạc cùng với Hiếu và Việt mở đại lý Viettel tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), để thực hiện hành vi chiếm đoạt sim đẹp.

Sau đó, các đối tượng liên hệ với nhân viên của tổng đài Viettel để lấy danh sách các số sim đẹp. Chúng truy cập vào trang web nội bộ của Viettel để kiểm tra thông tin, nếu sim số đẹp nào đã bị chặn ít nhất 6 tháng hoặc các sim số đẹp chưa kích hoạt trong dữ liệu của công ty Viettel, chúng sẽ chiếm đoạt.

Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng thông tin từ bản sao CMND của khách hàng đến giao dịch tại công ty Nhất Lộc Phát hoặc mượn bản sao CMND của bạn bè, người thân, ký tên giả mạo vào các phiếu yêu cầu thay đổi thông tin và mang vào để sẵn ở đại lý của chúng tại Vũng Tàu.

Nếu muốn chiếm đoạt sim nào, chúng gọi điện thoại để hướng dẫn nhân viên đại lý của mình điền thông tin thay đổi trên hệ thống của Viettel hoặc trực tiếp vào Vũng Tàu để thay đổi thông tin vào các sim trắng (chưa có thông tin) mua tại Trung tâm Viettel thành phố Vũng Tàu. Bằng cách thức trên, chúng đã chiếm đoạt được khoảng 150 sim điện thoại số đẹp để rao bán với giá rẻ hơn so với thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khách hàng bị "sập bẫy" lừa mua sim tứ quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.