Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều kẽ hở lọt dịch

Bạch Thanh| 27/06/2011 07:02

Theo Cục Thú y, từ tháng 9-2010 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra ở 2.063 xã, phường thuộc 279 huyện của 39 tỉnh, thành. Tổng số gia súc mắc bệnh là 150.986 con trâu, bò, lợn, số gia súc bị chết và tiêu hủy là 45.107 con.


Hiện nay, do kinh phí của chương trình mới hỗ trợ 100% cho vùng khống chế, vùng đệm chỉ được 50%, nhiều tỉnh không xin được kinh phí mua vắcxin đối ứng, kết quả tiêm phòng rất thấp, khi có dịch xảy ra nguy cơ dịch phát là rất cao, nhiều tỉnh trong vùng đệm vẫn có dịch xảy ra như Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Bên cạnh đó hệ thống ngành thú y ở các tỉnh chưa thống nhất như tỉnh Đắc Lắc, trạm thú y huyện không trực thuộc chi cục thú y tỉnh mà trực thuộc UBND huyện; tỉnh Lâm Đồng không có trạm thú y huyện, bộ phận thú y nằm trong trung tâm nông nghiệp huyện... Một số địa phương không tuân thủ quy định về kiểm soát con giống, kiểm dịch vận chuyển, nuôi cách ly để theo dõi, tiêm phòng 2 mũi theo quy định, dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ thừa nhận, nhiều cán bộ thú y cơ sở, khi phát hiện bệnh trên đàn gia súc đã không báo cáo cấp trên ngay mà tự chữa, khi chữa không thành để dịch bùng phát mới báo cáo cấp trên thì sự đã rồi. Còn theo ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y, tỉnh Đắc Lắc là tỉnh nằm trong vùng khống chế của chương trình quốc gia được hỗ trợ 100% vắcxin tiêm phòng LMLM, năm 2009 dịch xuất hiện từ tháng 8 nhưng do phát hiện chậm, công tác phòng chống dịch chưa quyết liệt nên dịch LMLM đã lây sang 8 trong tổng số 13 huyện, thị của tỉnh làm hàng trăm gia súc mắc bệnh. Năm 2010, dịch LMLM lại xuất hiện tại 2 huyện mới là M'Đrắk và Ea Kar vào tháng 9 và đến thời điểm này vẫn còn gia súc mắc bệnh.

Thêm vào đó, công tác triển khai tiêm phòng vắcxin LMLM gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh biên giới và các tỉnh Tây Nguyên đều là tỉnh nằm trong chương trình quốc gia về khống chế và thanh toán dịch LMLM nhưng tỷ lệ tiêm phòng thấp. Kết quả tiêm phòng của các tỉnh chỉ đạt tỷ lệ khoảng 50% so với tổng đàn, có nơi chỉ đạt 20-30%, tiêm phòng không đúng kỹ thuật, không đúng quy trình, việc bảo quản vắcxin ở các xã vùng sâu vùng xa rất khó khăn. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 5-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ ở các tỉnh còn cứng nhắc, chậm điều chỉnh, chưa phù hợp với diễn biến thực tế tình hình (vẫn theo giá hỗ trợ ban hành đầu năm 2008). Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La cho rằng, với mức trợ cấp 200.000 đồng/tháng và 50.000 đồng/ngày cho cán bộ thú y đi chống dịch thì quá thấp nhất là các tỉnh miền núi, trung du địa bàn rộng.

Mục tiêu thanh toán LMLM vào năm 2015

Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2015 cơ bản phải thanh toán xong dịch LMLM trên toàn quốc; xây dựng thành công một số vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh LMLM. Cụ thể khống chế bệnh LMLM, không để dịch xảy ra trên diện rộng, giảm số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền trung Tây Nguyên, ngăn chặn dịch từ nước ngoài vào, kết quả tiêm phòng đạt trên 70% so với tổng đàn, 80% so với diện tiêm ở các vùng tiêm phòng bắt buộc. Theo Công ty cổ phần Dược và vật tư thú y (HANVET), đến nay nguồn cung vắcxin cho phòng chống LMLM vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp ở các địa phương cần họp thường xuyên để chỉ đạo sâu sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu thầu công khai ngay từ đầu năm lượng vắcxin cần trong năm. Mặt khác, mỗi năm Việt Nam dự trữ 5 triệu liều vắcxin LMLM, lượng vắcxin này cần được luân chuyển thường xuyên cho các địa phương vì thời hạn sử dụng chỉ có 15 tháng kể từ ngày nhập về.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định: "Công tác phòng chống LMLM đã triển khai trong nhiều năm qua nhưng năm nay dịch vẫn lây lan nhanh. Rõ ràng, công tác phòng chống dịch đang có vấn đề. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời thì tình hình sẽ xấu đi và đe dọa đến sự phát triển của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức quan trọng góp phần làm dịch bệnh lây lan chính là nhận thức của người dân. Nhiều người cho rằng, bệnh LMLM không quá nguy hiểm vì thịt vẫn có thể ăn được, không ảnh hưởng tới sức khỏe nên đã chủ quan, thậm chí có địa phương còn làm ngơ".

Vấn đề đặt ra là nguyên tắc chống dịch phải công khai, phổ biến cho nhân dân biết để chung tay dập dịch. Việc phát hiện ra chủng virút mới chậm nên ngành chức năng không chủ động mua và cung cấp vắcxin cho các địa phương kịp thời. Hạn chế trong việc dập dịch ở nhiều tỉnh là do công tác tiêm phòng chưa tốt và không kiểm soát được khâu vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm… Đã đến lúc phải xây dựng cơ chế đồng bộ, khắc phục những kẽ hở, dồn sức cho công tác chống dịch nhằm khống chế dịch LMLM.

Theo ông Cấn Xuân Bình, Chi cục Thú y Hà Nội, Hà Nội mặc dù không nằm trong chương trình quốc gia về khống chế và thanh toán dịch LMLM nhưng có đàn gia súc lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 60% gây khó khăn trong việc quản lý giám sát dịch, trên địa bàn đã xảy ra dịch tại 12 xã thuộc 5 huyện nhưng chỉ nhỏ lẻ, gia súc ốm chủ yếu trên đàn lợn 1-3 tháng tuổi do chưa được tiêm phòng vắcxin LMLM. Đến ngày 20-3-2011 dịch đã được khống chế, các ổ dịch đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc ốm. Hà Nội đã triển khai tốt công tác tiêm phòng vắcxin LMLM cho GSGC nên hạn chế được dịch bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều kẽ hở lọt dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.