Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều hoạt động hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Thế Dũng - Thùy Linh - Hải Giang - Minh Ngọc - Yên Nga - Vũ Thủy| 24/09/2010 06:01

(HNM) - Tối qua (23-9), tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, UBND TP Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội đã khai mạc Chợ Công nghệ và thiết bị Thủ đô 2010 (Techmart 2010).


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng... đã đến dự.


Các đại biểu tham quan các gian hàng trong chợ công nghệ và
thiết bị Thủ đô 2010. Ảnh:  Bá Hoạt


Với chủ đề "Chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", Techmart 2010 là chợ đa ngành quy mô quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như: cơ khí chế tạo máy - tự động hóa; công nghệ thông tin và điện tử - viễn thông... Techmart 2010 có gần 400 đơn vị tham gia với 443 gian hàng, với nét mới so với những lần tổ chức trước là dành một số gian cho "Khu vườn ươm KHCN" để học sinh, sinh viên có ý tưởng sáng tạo trong KHCN giới thiệu tới cộng đồng; khu sản xuất rau sạch và an toàn thực phẩm, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động.

* Ngày 23-9, Bộ VH-TT&DL, Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP đã tổ chức hội thảo khoa học "TP Hồ Chí Minh hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" với sự tham gia của các nhân sĩ, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo trên cả nước. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận 3 chủ đề về: lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội; dấu ấn văn hóa Thăng Long, phát triển và bảo vệ văn hóa Thăng Long; TP Hồ Chí Minh và phía Nam hướng về Thăng Long - Hà Nội. Nhiều bài viết với những phân tích khoa học đã cho thấy rõ văn hóa và truyền thống của TP Hồ Chí Minh cũng như toàn Nam bộ không tách rời mà luôn gắn liền với lịch sử, văn hóa và truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Các tác giả còn mang đến hội thảo những tình cảm đặc biệt của người phương Nam, hướng về trái tim cả nước với ý thức con Lạc cháu Hồng và tình cảm Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long như: "Nỗi nhớ Thăng Long - Hà Nội trong tiềm thức người phương Nam", "Hà Nội, vọng nhớ từ trời Nam"…

*  "1000 năm văn học Thăng Long - Hà Nội" là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Viện Văn học tổ chức ngày 23-9 tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu, trường ĐH ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Hơn 30 tham luận gửi đến hội thảo, trong đó có nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp đã góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề lịch sử văn học liên quan đến Thăng Long - Hà Nội (TL-HN); làm rõ hơn cốt cách TL-HN và dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô trong các tác phẩm văn học lưu truyền qua các thời kỳ. Có thể kể đến "Chủ điểm nhớ TL-HN qua nghìn năm văn học"; "Tư tưởng chính của Lý Thái Tổ trong bài Thủ chiếu năm Canh Tuất 1010"; "Hình ảnh kẻ sĩ Thăng Long qua sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng"; "Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long", "Từ truyền thuyết Rồng Thăng Long khám phá biểu tượng Rồng trong truyền thuyết dân gian"…

* Hôm qua, tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 630 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thân (1380) ở Thăng Long trong gia đình ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, mất ngày 19-9-1442. Ông có công giúp Lê Thái Tổ đánh giặc ngoại xâm, dựng nước, đồng thời là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Tâm hồn và sự nghiệp của Nguyễn Trãi mãi mãi là vì sao sáng như Vua Lê Thánh Tông truy tặng "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo".

* Cùng ngày, hội đồng liên lạc họ Đào Việt Nam đã dựng bia Thái sư Á vương Đào Cam Mộc - danh nhân kiệt xuất thời nhà Lý tại đền thờ ông ở thôn Đào Xá, xã Hoàng Long (Phú Xuyên). Thái sư Đào Cam Mộc sinh năm 942 ở làng Lang Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định (Thanh Hóa) và mất năm 1015. Ông là người có công đầu trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi báu, thay thế vương triều Tiền Lê đã suy thoái và cũng là người có công giúp nhà Lý dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào năm 1010.

* Ngày 23-9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Bình Định cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về mối quan hệ giữa Bình Định - Tây Sơn với Thăng Long - Hà Nội thông qua những tác phẩm nghệ thuật sân khấu. Qua nghiên cứu, ghi chép, sưu tầm và tập hợp các tác phẩm sân khấu về đề tài này, các nhà khoa học đã khẳng định hầu hết trên sân khấu, hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ được xây dựng là người anh hùng đặc sắc, hiếm có trong lịch sử dân tộc, đồng thời mối lương duyên giữa Quang Trung và Ngọc Hân công chúa là sợi chỉ đỏ kết nối triều Lê và Nguyễn, Bình Định với Thăng Long. Các đại biểu đã có nhiều đóng góp, gợi ý để các tác giả kịch bản, đạo diễn tiếp tục sáng tác, dàn dựng những tác phẩm sân khấu về đề tài này.

* Ngày 23-9, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội đã tổ chức thi tuyển tình nguyện viên phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL-HN tại 12 điểm trường trên địa bàn TP. Hơn 10.000 sinh viên các học viện, trường ĐH, CĐ đăng ký thi tuyển chọn lấy 1.000 tình nguyện ở 6 lĩnh vực: Du lịch; văn hóa nghệ thuật; bảo vệ môi trường; bảo đảm trật tự ATGT; y tế, chăm sóc sức khỏe và giúp việc ban tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hoạt động hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.