Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng

Đức Anh| 19/06/2013 06:11

(HNM) - 5 tháng đầu năm, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt gần 3%, song đây được coi là diễn biến tích cực trong hoạt động của ngành ngân hàng. Trước đó, có những thời điểm, tăng trưởng tín dụng rơi xuống mức âm. Cùng với đó, 70.000 tỷ đồng nợ xấu đã được giải quyết cho thấy "cục máu đông" gây tắc nghẽn nền kinh tế đang dần được khơi thông…

Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12%?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn đạt được những kết quả khả quan, đó là lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng cao, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại được cải thiện, tỷ giá ngoại tệ ổn định, tái cơ cấu hệ thống có những chuyển biến tích cực… Cụ thể, đến hết tháng 5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012; huy động vốn tăng 6,59%, trong đó VND tăng 7,55%, ngoại tệ tăng 0,84%.


Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tìm giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013. Nhiều người lo ngại mục tiêu tín dụng khó đạt được trong bối cảnh vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn thấp. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, vốn ngân hàng đã dần được "mở van". Tín dụng 5 tháng đầu năm tăng gần 3%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 5,48%, ngoại tệ giảm 8,41%. Như vậy, để đạt mục tiêu 12%, 6 tháng cuối năm cần tăng trưởng 9%. Nếu ngành làm được như 6 tháng cuối năm 2012, mục tiêu tăng trưởng 12% là hoàn toàn có thể đạt được. Một trong những khó khăn gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng được cả doanh nghiệp (DN) lẫn ngân hàng nêu là tổng cầu, sức mua của nền kinh tế thấp, hàng tồn kho nhiều. Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã kiến nghị với Chính phủ nâng phát hành trái phiếu Chính phủ, nâng mức đầu tư công qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết việc làm, góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng.

Ngăn chặn nợ xấu gia tăng

Một trong những công cụ được NHNN đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là giảm lãi suất. Cụ thể, đã điều chỉnh giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn 1-12 tháng. Sau một năm kể từ khi NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm khoản vay cũ về dưới 15%/năm, đến nay, 64% các khoản vay có mức lãi suất dưới 13%/năm, trong đó 14% tổng dư nợ chỉ phải chịu lãi suất dưới 10%/năm, còn lại là 10-13%/năm; còn khoảng 12% khoản vay có lãi suất trên 15%.

Công cụ khác tạo cơ sở cho tăng trưởng tín dụng là đề án xử lý nợ xấu và sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Về xử lý nợ, đến nay, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại nợ 285.000 tỷ đồng (xấp xỉ 10% dư nợ tín dụng) và ngăn những khoản vay này trở thành nợ xấu. Các ngân hàng xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu (chiếm 2,5% tổng dư nợ). Song, vấn đề lo ngại là nợ xấu cũ được xử lý nhưng nợ xấu mới lại phát sinh do các điều kiện vĩ mô chưa ổn định. Do đó, cùng với việc tiếp tục xử lý nợ xấu cũ, cần tìm cách khơi thông dòng vốn nhằm ngăn chặn tình trạng nợ xấu gia tăng.

Về kỳ hạn tất toán trạng thái huy động vàng vào ngày 30-6 tới, NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng có trạng thái huy động và cho vay bằng vàng nhanh chóng hoàn tất. Trước đây chưa thể xử lý quyết liệt với các ngân hàng do tính thanh khoản không tốt, nhưng hiện nay, thanh khoản của hệ thống ổn định, các ngân hàng có điều kiện để đóng trạng thái vàng. Nhằm góp phần bình ổn thị trường, NHNN đã tăng cung trên thị trường với việc tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng, đồng thời sẽ xử lý nghiêm đối với ngân hàng không tất toán đúng hạn.

Đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ tiếp tục đưa ra chương trình, giải pháp cụ thể nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hệ thống ngân hàng sẽ tích cực xử lý nợ đọng, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm, giảm tỷ lệ hàng tồn kho, đưa vốn tín dụng ngân hàng tới các lĩnh vực được ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.