Giáo dục

Nhiều giải pháp khắc phục các vấn đề về trường học và biên chế giáo viên

Phong Thu - Ảnh: Viết Thành 17/10/2023 19:07

Chiều 17-10, tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố, các đại biểu đã đặt câu hỏi về thực trạng, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các trường học công lập...

hoi-dong-1.jpg
Quang cảnh phiên giải trình của HĐND thành phố Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ Hoài Đức) về thực trạng bất cập số lượng (thiếu giáo viên, nhân viên), cơ cấu giáo viên (thiếu giáo viên các môn học mới), những hạn chế, khó khăn và giải pháp khắc phục? Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết: Số biên chế giáo dục giao năm 2023 là 97.594, hiện có 90.675 (chưa sử dụng 6.919 biên chế).

hdnd003.jpg
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu.

Về số biên chế thiếu so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, thiếu 7.600, thành phố đã đề xuất Trung ương giao bổ sung 2.361 biên chế, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố phân bổ cho các đơn bị thiếu theo tỷ lệ Trung ương giao bổ sung. Năm học 2023-2024, thiếu 10.915, đã có văn bản đề xuất Trung ương giao bổ sung 8.900 biên chế.

hdnd006.jpg
Đại biểu Duy Hoàng Dương.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết, cùng với các giải pháp đang triển khai, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố phân cấp cho các quận, huyện chủ động tuyển dụng giáo viên; cân đối biên chế viên chức để ưu tiên cho giáo dục. Cụ thể là giai đoạn 2017-2021, thành phố không cắt giảm biên chế giáo dục mà còn tăng thêm khi thêm trường, thêm lớp; từ năm học 2022-2023, không cân đối được mới phải cắt giảm 2%.

Về đề xuất giải pháp thực hiện nâng mức tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập năm 2023, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 02, trong đó quy định giá tạm thời thí điểm đặt hàng với các cơ sở giáo dục. Đến nay, có 296 đơn vị đăng ký thí điểm năm học 2023-2024.

Theo đó, dự kiến đến năm 2024, 296 đơn vị tự chủ chi thường xuyên sẽ có khoảng 15.000 viên chức chuyển sang hưởng lương từ nguồn tự chủ. Số biên chế này, Sở Nội vụ sẽ cân đối bảo đảm chỉ tiêu giảm theo tỷ lệ 2% của Bộ Chính trị và tăng cường giao bổ sung viên chức hưởng lương cho các cơ sở giáo dục chưa tự chủ, nhất là các khu vực đang quá tải và các trường chuẩn.

Dự kiến sau thí điểm, nếu chính thức được đánh giá và triển khai trên diện rộng sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề thiếu giáo viên và đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ Bắc Từ Liêm) về trang, thiết bị tối thiểu còn thiếu, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngân sách thành phố Hà Nội dành cho giáo dục chiếm 32,8% tổng chi ngân sách thành phố, so với trung ương là ở mức độ rất cao. Việc bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy và học, hằng năm, bố trí đầy đủ với cơ sở giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; với cấp quận, huyện bình quân hằng năm cũng dành 12 tỷ đồng. Hiện, Hà Nội thực hiện đúng lộ trình đến năm 2025 theo thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

hdnd004.jpg
Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu, các quy định mới đang có sự thay đổi, các trang thiết bị được đề cập ở mức cao hơn. Đồng chí cũng chỉ ra 3 nguyên nhân mua sắm chậm so với kế hoạch và nhu cầu thực tế: Thông tư ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng thời giữa các cấp học; trang thiết bị tối thiểu áp dụng đồng đều trong cả nước, trong khi mong muốn của phụ huynh và học sinh ở Hà Nội cao hơn; quy trình mua sắm còn khó khăn do thủ tục và thẩm quyền của các trường. Khi giao cho các trường mua sắm thì giáo viên không thông thạo các quy trình dẫn đến khó khăn vì vậy chưa đạt được lộ trình.

Sở Tài chính đang đưa ra giải pháp khắc phục là kiến nghị cho Hà Nội ban hành quy định danh mục mua sắm trang thiết bị giáo dục riêng, có tính chất dài hạn hơn danh mục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Trên cơ sở này, nếu được đồng thuận ban hành riêng thì thành phố sẽ rà soát đầu tư, ban hành danh mục đồng bộ trong vài năm đề có mặt bằng chung về trang, thiết bị cho các trường, các khối học... Với giải pháp này thì kết thúc nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025 chúng ta sẽ đạt mục tiêu.

Về vấn đề sắp xếp tài sản công, ưu tiên cơ sở cho xây dựng trường học, sau khi có Nghị quyết của HĐND thành phố về quản lý sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội (tháng 3-2023) thì UBND thành phố đã khẩn trương ban hành quyết định phê duyệt đề án và kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay, đã phê duyệt, sắp xếp được 10.700/12.000 cơ sở thuộc toàn thành phố (đạt 89%). Riêng với giáo dục phê duyệt 3.200 đề án, đạt 95%...

Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu UBND thành phố chuyển sang quỹ đất xây dựng trường học. Từ đầu năm đến nay, đã tham mưu UBND thành phố quyết định bàn giao các cơ sở hành chính sự nghiệp chuyển sang xây dựng trường học. Quá trình thực hiện, Sở Tài chính đã xin ý kiến Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc theo hướng bất kỳ cơ sở nhà nước nào thuộc khối hành chính, sự nghiệp khi có diện tích đủ xây dựng cơ sở giáo dục công lập thì bàn giao ngay cho chính quyền quận, huyện, thị xã để xây dựng phương án xây trường công lập mà không nhất thiết phải điều chỉnh quy hoạch.

hdnd005.jpg
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh thừa nhận việc đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Tổ Ứng Hòa) nêu về thực trạng trong khu đô thị, hạ tầng xã hội lúc nào cũng đi sau; dự án trường mầm non nằm trong khu nghĩa trang tương đối phổ biến… Đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, sắp tới sẽ cùng Sở Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm trong vấn đề này.

hdnd008.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp khắc phục các vấn đề về trường học và biên chế giáo viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.