Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp “kéo” người dân đi xe buýt

Hà Phạm| 11/11/2016 07:08

(HNM) - Đến nay, theo dự báo khối lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khó có thể đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2016. Thế nhưng, nhìn tổng thể cho chặng đường dài phát triển theo quy hoạch đến năm 2025 thì chính quyền và các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực không ngừng trong việc “kéo”

Những thay đổi lớn

Theo thống kê từ Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm), hiện TP Hồ Chí Minh có 142 tuyến xe buýt (XB) trên địa bàn, trong đó có 107 tuyến có trợ giá và 35 tuyến không trợ giá. So với cuối năm 2015, số tuyến hoạt động trên địa bàn thành phố tăng thêm 6 tuyến. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn có 54 tuyến đưa đón công nhân theo hình thức hợp đồng có trợ giá và 149 trường học có học sinh sử dụng dịch vụ đưa đón theo hình thức hợp đồng có trợ giá. Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm đã thay mới gần 300 XB, đến cuối năm 2016 dự kiến đạt trên 500 xe và năm 2017 sẽ hoàn thành đề án thay 1.680 xe mới. Ngoài ra, việc kinh doanh vận tải bằng XB và đưa đón học sinh trên địa bàn hiện có 20 doanh nghiệp tham gia (trong đó có 13 đơn vị hoạt động trên các tuyến XB có trợ giá), với gần 2.800 xe. Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị này đã đầu tư và đưa vào khai thác 289 xe mới.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực nâng cao chất lượng xe buýt để thu hút hành khách.



Về cơ sở hạ tầng, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 4.300 điểm dừng XB, trong đó có khoảng 500 vị trí đã lắp đặt nhà chờ. Về bãi đậu XB, thành phố có 80 vị trí điểm đầu, điểm cuối của các tuyến. Trong đó, có 33 vị trí mang tính ổn định lâu dài, 47 vị trí sử dụng tạm lòng lề đường để bố trí bãi đậu XB.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm, ngoài việc thay XB mới, Trung tâm cũng phối hợp với các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tác phong phục vụ của tài xế và nhân viên để thu hút ngày càng nhiều hơn người dân thành phố sử dụng phương tiện này. Trong thời gian tới, được sự hỗ trợ của UBND TP Hồ Chí Minh và sự đồng hành của người dân, Trung tâm sẽ triển khai tổ chức các tuyến đường ưu tiên dành cho XB nhằm bảo đảm thời gian hoạt động đúng giờ của loại hình VTHKCC này.

Để thực hiện được mục tiêu của UBND TP Hồ Chí Minh đặt ra đến năm 2020 phải đạt từ 15% đến 17% người dân sử dụng loại hình VTHKCC và đến năm 2025 đạt từ 20% đến 25%, Sở GT-VT cũng chỉ đạo và đôn đốc Trung tâm thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài để đổi mới toàn diện loại hình VTHKCC chủ lực của thành phố. Trong đó, Sở GT-VT sẽ cùng với Trung tâm và các đơn vị liên quan quyết tâm “kéo” người dân tham gia đi lại bằng XB, hạn chế tham gia giao thông bằng xe cá nhân. Đồng thời, đào tạo nghiệp vụ lẫn cung cách phục vụ của tài xế và nhân viên; nâng cao chất lượng dịch vụ như: Thay thế vé thông thường bằng thẻ thông minh, camera giám sát trên xe, ứng dụng công nghệ GPS theo dõi xe trên đường, loa thông báo tại các trạm chờ, thay đổi kết cấu xe trên các tuyến để phục vụ tốt cho người tàn tật, người già… Ngoài ra, cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh cũng chủ động xây dựng hạ tầng nhằm kết nối liên hoàn giữa loại hình VTHKCC với các tuyến Metro (tàu điện ngầm) và các phương thức vận tải hiện đại BRT (XB nhanh) trong thời gian tới.

Còn nhiều việc phải làm

Theo ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh), để kéo người dân đi XB, ngoài việc thay mới các phương tiện XB trong đề án thay mới 1.680 xe, cần ưu tiên các xe chạy bằng khí CNG thân thiện với môi trường. Sau đó, sử dụng hiệu quả quỹ đất dành cho vận tải công cộng, xây dựng các bến bãi, với khoảng 700ha/1.141ha theo quy hoạch của thành phố. “Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền điều hành về giao thông công cộng chưa được hình thành. Đây là điều cần nhanh chóng khắc phục vì bản chất của cơ quan này là sẽ thống nhất các chính sách về VTHKCC như: Giá vé, luồng tuyến, bến bãi… Bên cạnh đó là điều hòa biểu đồ chạy xe, phân công mạng lưới tuyến giữa các phương thức vận tải buýt và VTHKCC khối lượng lớn như: Metro, BRT và buýt”, ông Lê Trung Tính góp ý.

Cũng theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh), giảm trợ giá XB hằng năm đang là gánh nặng cho ngân sách thành phố, và chính quyền cần từng bước chuyển từ chính sách trợ giá trực tiếp sang gián tiếp. Cụ thể, ngoài việc cho XB quảng cáo trên một số tuyến như hiện nay, thời gian tới, cần cấp đất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã XB vừa làm bãi đậu đỗ xe, vừa có điều kiện rút ngắn khoản huy động phí khá cao hiện nay (khoảng 12-20% chi phí giá thành tùy theo đơn vị hoặc luồng tuyến), từ đó tạo tiền đề cho việc tổ chức khai thác thêm nguồn thu hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng VTHKCC giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên, nhìn tổng thể theo lộ trình quy hoạch đến năm 2025 thì loại hình này đang đi đúng hướng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm đã có hơn 400 triệu lượt hành khách sử dụng XB, và khi các hệ thống vận tải khối lượng lớn và hiện đại như Metro, BRT… đi vào hoạt động dự kiến sẽ còn thu hút đông đảo người dân tham gia đi lại bằng vận tải công cộng hơn nữa. Bàn về giải pháp, ông Lê Hoàng Minh khẳng định, để loại hình vận tải này thực sự trở thành lựa chọn chính của người dân TP Hồ Chí Minh thì bắt buộc phải đổi mới toàn diện cả về cơ sở hạ tầng, phương tiện, cung cách phục vụ, chất lượng dịch vụ, khai thác quỹ đất, chính sách thu hút các nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp “kéo” người dân đi xe buýt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.