(HNM) - Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến trước năm 2020 Hà Nội sẽ khắc phục được cơ bản nạn ùn tắc giao thông trong nội đô.
Thực hiện mục tiêu này, TP Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt cũng như lâu dài như: điều chỉnh giờ học tập, làm việc; cấm dừng, đỗ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường; tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; đầu tư phát triển hạ tầng và mạng lưới giao thông tĩnh; nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC)…
Những giải pháp tình thế đã phát huy tác dụng
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến nay, Hà Nội có gần 4,8 triệu ô tô, mô tô. Trong đó có 446 nghìn ô tô và trên 4,4 triệu mô tô. Ngoài ra còn có 9.249 xe ô tô của các cơ quan TƯ và 1.350 xe ô tô quá cảnh qua địa bàn TP. Diện tích đất cho giao thông tĩnh chỉ chiếm 0,35% đất xây dựng đô thị và mới đáp ứng gần 10% nhu cầu. Hệ thống bến, bãi, điểm đỗ xe còn thiếu, chất lượng dịch vụ chưa cao, phân bố không đều. VTHKCC bằng xe buýt mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, chưa thuận tiện cho việc đi lại của người dân. VTHKCC khối lượng lớn như đường sắt đô thị, metro, xe buýt nhanh BRT… đang trong quá trình triển khai.
Trong bối cảnh đó, ùn tắc giao thông đã trở thành một vấn nạn. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 7-8% đất xây dựng đô thị nên không có gì ngạc nhiên khi chính các cơ quan chức năng nhận định: đường sá Thủ đô hiện không đủ cho xe chạy. Chính vì vậy, không chỉ dừng ở việc tuyên truyền vận động, TP đã rất quyết liệt thực hiện chủ trương "đường dành cho phương tiện, vỉa hè cho người đi bộ". Giải pháp đầu tiên được triển khai là điều chỉnh giờ học tập, làm việc và cấm dừng, đỗ phương tiện trên 262 tuyến phố. Đề cập tới việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng: Đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài cần phải đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư mạng lưới giao thông tĩnh và phát triển mạnh các loại hình VTHKCC. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này đã và đang cho thấy những hiệu quả bước đầu. Việc cấm dừng, đỗ phương tiện trên 262 tuyến phố dù rằng ban đầu triển khai có thể đụng chạm đến quyền lợi của một bộ phận người dân, nhất là những tổ chức, đơn vị, cá nhân ở mặt tiền trên các tuyến phố, nhưng đây là chủ trương vì mục tiêu chung nên phải thực hiện.
Thực tế triển khai điều chỉnh giờ học tập, làm việc và cấm dừng, đỗ phương tiện trên 262 tuyến phố cho thấy tình hình ùn tắc và thời gian ùn tắc nghiêm trọng tại một số nút giao, tuyến đường đã giảm thiểu. Từ 124 điểm "đen" ùn tắc trong giờ cao điểm đã giảm xuống còn 74 điểm và giảm 40% số vụ ùn tắc kéo dài. Đại bộ phận người dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương của TP và cho rằng bước đầu đường đã dành cho phương tiện và vỉa hè cho người đi bộ.
Tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp lâu dài
Giải quyết cơ bản vấn nạn ùn tắc là một bài toán khó nhưng không phải là không làm nổi. Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ, từ đầu tư hạ tầng giao thông, chú trọng phát triển mạng lưới giao thông tĩnh và hệ thống VTHKCC cho tới tăng cường tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức…
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, năm 2012, TP sẽ tập trung quyết liệt để triển khai và hoàn thành xây dựng bãi đỗ xe tại các khu vực đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Khánh Toàn và hầm chứa xe chợ Hàng Da. Nghiên cứu xây dựng từ 5 đến 8 bãi đỗ xe trong các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên và huyện Từ Liêm. Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe mới theo quy hoạch để thực hiện 33 điểm, bãi đỗ xe cho giai đoạn 2012-2015. Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, TP sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng bãi đỗ xe cao tầng, đỗ xe ngầm và bãi đỗ xe áp dụng công nghệ tiên tiến. Khai thác triệt để diện tích đất trống công cộng đủ điều kiện để bố trí điểm đỗ, bãi đỗ. TP yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà, khu đô thị dành diện tích làm bãi đỗ xe theo quy định (bố trí bãi đỗ xe đáp ứng đủ nhu cầu của dự án và dành 20-30% diện tích cho đỗ xe công cộng).
Phát triển VTHKCC, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sẽ được đẩy mạnh. Tại Quyết định số 3462/QĐ-UBND về phát triển VTHKCC bằng xe buýt đến năm 2020, TP đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, sắp xếp và điều chỉnh luồng tuyến xe buýt cho phù hợp. Phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ của các tuyến buýt nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần điều tiết và giãn mật độ dân cư khu vực nội thành, giảm áp lực cho giao thông đô thị, giảm ùn tắc.
Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (đơn vị chủ lực của TP về vận tải khách bằng xe buýt) cho biết: Nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ này, Tổng công ty đang nghiên cứu xây dựng đề án hợp lý hóa xe buýt theo sức chứa và nâng cao năng lực vận chuyển theo 3 giai đoạn. Giai đoạn I không có trung tâm quận, huyện nào "trắng" xe buýt (mục tiêu này đã hoàn thành). Giai đoạn II không có trung tâm thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã "trắng" xe buýt. Giai đoạn III đưa xe buýt về trung tâm các xã, điểm thu hút hành khách lớn. Đề án cũng nghiên cứu khả năng sử dụng xe buýt cỡ nhỏ gom khách từ các khu vực xa trung tâm ra tuyến phố chính; tăng cường xe buýt chuyên chở học sinh, mở thêm vé tháng chuyên trách phục vụ CBCNV các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất… Hà Nội còn tập trung nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn Kim Mã - Hà Đông; đường sắt đô thị, tàu điện ngầm…
Từng bước hạn chế phương tiện cá nhân là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh lượng phương tiện tăng nhanh như hiện nay (12-15%/năm). Tuy nhiên, cấm như thế nào với lộ trình cụ thể ra sao là vấn đề đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu một cách khoa học. Trước mắt, Hà Nội tập trung khảo sát, thực hiện thí điểm hạn chế lưu thông một số phương tiện cá nhân hoạt động trong phạm vi trung tâm TP, trên một số tuyến đường chính, vành đai vào giờ cao điểm. Trong quý III-2012, TP sẽ ban hành Đề án quản lý phương tiện taxi nhằm đưa loại hình vận tải hành khách này hoạt động đúng quy định, bảo đảm an toàn và trật tự giao thông đô thị.
Trong tương lai gần, sẽ nghiên cứu áp dụng biện pháp thu phí phương tiện vào nội đô. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Đây là chủ trương đúng đắn và là mong muốn của Hà Nội. TP đã có ý tưởng tính phí theo hình thức lũy tiến giờ cao điểm. Mức phí sẽ được tăng lên theo thời gian đối với phương tiện khi lưu lại nội đô. Cách thu phí lũy tiến một giờ sẽ là bao nhiêu tiền, đến giờ thứ hai sẽ tăng lên bao nhiêu, nhằm khi người ta vào trung tâm sẽ phải tính toán thời gian lưu lại phương tiện nhanh nhất để giảm mức phí, đồng nghĩa với việc mật độ giao thông sẽ giãn trong nội đô...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.