Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan

Thanh Tàu| 30/11/2016 14:32

(HNMO) – Ngày 30-11, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản Số 208/BC-UBND báo cáo tình hình quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Theo đó, xây dựng website hỗ trợ học tập; cho phép học sinh lựa chọn giáo viên để học thêm...

Học sinh tại TP Hồ Chí Minh ăn lót dạ vào học


35% học sinnh cấp 2-3 đi học thêm

Theo thống kê sơ bộ tình hình hoạt động ngoài giờ học chính khóa của học sinh hiện nay, gần 500.000 học sinh đang tham gia học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 50%), khoảng 10.000 học sinh học ngoại ngữ khác (Pháp, Nhật, Hàn, TBN, Trung Quốc…) tại các Trung tâm Ngoại ngữ sau giờ học chính khóa (buổi tối, thứ bảy, chủ nhật). Khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa; có khoảng 190.000 học sinh trung học (THCS-THPT) đang tham gia học thêm tại cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học tập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu các em học các môn Toán, Lý, Hóa (chiếm 35%). Khoảng 50% học sinh toàn thành phố tham gia các hoạt động văn nghệ (học đàn, hát, …), các hoạt động thẩm mỹ, các hoạt động TDTT, kỹ năng sống, phương pháp phát triển tư duy (học Toán tư duy…)

Tuy nhiên, theo UBND TP Hồ Chí Minh, cũng có nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh, đây là hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực, biến tướng, phong trào. Khi “người dạy” bị “thương mại hóa”, đặt lợi ích kinh tế của cá nhân lên trên hiệu quả thực tế của việc dạy, lợi dụng các kẽ hở của công tác quản lý, tâm lí học thêm “phong trào” của phụ huynh và học sinh để lôi kéo, chèn ép, buộc các em học sinh phải đi học thêm.

Có tình trạng phân biệt đối xử trong giờ học giữa học sinh học thêm với mình với học sinh không học thêm hoặc học thêm với thầy cô khác, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Phụ huynh không xuất phát từ nhu cầu của con em mà đua chen theo xu hướng của xã hội, ép con mình đi học thêm quá nhiều, quá tải, dẫn đến hiệu quả không đạt mà còn gây áp lực, căng thẳng cho các em. Ngoài ra, cũng có trường hợp giáo viên khi lên lớp giảng dạy trong giờ chính khóa thì giảng không sâu, không truyền đạt hết kiến thức của bài học, dẫn đến việc học sinh phải tham gia vào các lớp học thêm mới có thể nắm hết được kiến thức của bài học.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý giáo dục phải tăng cường các biện pháp quản lý để khắc phục mặt trái, tiêu cực của hoạt động dạy thêm, học thêm.

Hàng loạt giải pháp quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm

Nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực, thời gian tới, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau: hiệu trưởng các trường thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp, không ra bài tập khó về nhà, bảo đảm để học sinh yên tâm về kiến thức đã được trang bị trong nhà trường; tăng cường việc giáo dục, hướng dẫn phương pháp tự học cho học sinh. Đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên giờ dạy chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến học sinh phải đi học thêm.

Kiểm điểm 3 trường hợp dạy thêm

Chỉ tính riêng năm học 2015 - 2016, TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 14 trường trung học phổ thông và phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm trong việc tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường cho đúng với các quy định thanh tra chuyên đề.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh còn thanh tra 5 điểm dạy thêm ngoài nhà trường, 3 điểm dạy thêm trong nhà trường. Năm học qua, đã xử lý 3 trường hợp ở mức phê bình, kiểm điểm, không cho dạy học sinh đã dạy chính khóa và không xem xét thi đua.


Thực hiện công tác phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng cho học sinh giỏi không thu học phí. Nhà trường phải xây dựng website hỗ trợ học tập hay sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp đỡ học sinh giải đáp ngay các thắc mắc liên quan đến bài học, hướng dẫn học sinh tự ôn tập, củng cố, mở rộng kiến thức tại nhà, tăng cường khả năng tự học cho học sinh.

Sở GD-ĐT tập hợp bài giảng ở tất cả các môn học, các bài ôn tập để cung cấp cho học sinh để học sinh có thể củng cố kiến thức tại nhà. Ngoài ra, các phòng ban chuyên môn sẽ tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tích hợp các nội dung dạy học, tập huấn chuẩn bị cho các kỳ thi, ... để học sinh có thể học tốt tại trường và tự học ngay tại nhà. Tổ chức khảo sát, với các trường có đủ điều kiện sẽ tổ chức việc dạy học 2 buổi/ngày, có thể chưa được mức độ cả trường nhưng sẽ thực hiện dần ở từng khối hoặc một số lớp mỗi khối nhằm tăng số lượng học sinh được học tập và sinh hoạt cả ngày trong nhà trường. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường: chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của học sinh; phân chia lớp học theo trình độ học sinh, học sinh được lựa chọn giáo viên để theo học.

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý, giám sát giáo viên thuộc đơn vị mình tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng qui định. Cán bộ, giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập tham gia dạy thêm phải thực hiện đúng qui định về dạy thêm, học thêm, chịu sự quản lý, giám sát của thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập. Xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng qui định của các cơ sở giáo dục trực thuộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, UBND TP Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng nhà trường tiên tiến,hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc.

Theo đó, Đề án tập trung các giải pháp chủ yếu như sau: UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép thành phố xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc phải học theo trình tự lớp (Văn - Tiếng Việt, Toán), các môn khác được tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.

Chương trình giáo dục từ phổ thông đến Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, ngoài việc trang bị kiến thức cho người học cần chú trọng xây dựng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, với thị trường, nâng cao khả năng thực hành của học sinh, sinh viên.

Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…). Thành phố tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường có điều kiện được phép tự tuyển dụng giáo viên, tự xây dựng kế hoạch giảng dạy, quyết định mức học phí trên cơ sở thu đủ bù chi. San sẻ phần kinh phí ngân sách lẽ ra cấp cho các trường này cho các trường còn lại để nâng cao chất lượng nhà trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.