(HNM) - Bên cạnh kết quả tích cực, công tác quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại, như: Nhân lực chuyên trách an toàn thực phẩm còn thiếu so với nhiệm vụ thực hiện, sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương cấp xã chưa quyết liệt, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hạn chế…
Các huyện, thị xã đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất an toàn trong chăn nuôi. |
Cụ thể, ngành thú y tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), gắn trách nhiệm của UBND và Ban Chỉ đạo công tác ATTP quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đối với công tác ATTP; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng ATTP định kỳ và đột xuất; kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP; xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh vi phạm ATTP thuộc lĩnh vực quản lý; kiên quyết xử lý vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất chế biến nông, lâm sản, thủy sản; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
Đối với các huyện, thị xã, tập trung xây dựng các vùng sản xuất an toàn, qua đó, tiếp tục phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020; duy trì và phát triển vùng rau an toàn với quy mô 5.600ha; xây dựng các vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn.
Hiện thành phố đã xây dựng bộ mã QRcode cho 550 sản phẩm nông sản an toàn mới, kết nối với điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc; duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn và cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; phối hợp với các tỉnh triển khai mô hình quản lý ATTP theo chuỗi; xây dựng cơ chế hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn bền vững.
Cùng với đó là hỗ trợ đầu tư sản xuất, xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến và tạo thương hiệu, quảng bá cho sản phẩm bảo đảm an toàn. Đối với các quận, tập trung kiểm soát kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, bảo đảm 100% cơ sở kinh doanh ăn uống chấp hành và ký cam kết bảo đảm ATTP.
Về công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, hiện còn quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với 1.048 cơ sở. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 tại các huyện; tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ tập trung ở một số huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phúc Thọ... Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ sở giết mổ hưởng chính sách ưu đãi của thành phố về phí giết mổ gia súc, gia cầm.
Ngoài ra là triển khai chương trình bảo đảm ATTP trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kiểm tra, kiểm soát, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn...
Một giải pháp quan trọng nữa là ngành tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, công khai kết quả kiểm tra, địa chỉ các cơ sở không bảo đảm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về ATTP tới các nhóm đối tượng: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm...
Đồng thời, tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, phổ biến kiến thức về ATTP và hướng dẫn người dân chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn, ký cam kết ATTP. Chắc chắn, với những giải pháp đồng bộ trên, vấn đề ATTP của Hà Nội sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.