(HNMO) - Năm 2015, có 66 doanh nghiệp tuyển dụng lao động xuất khẩu Việt Nam đã được xếp hạng dựa trên tiêu chí Bộ Quy tắc ứng xử của Hiệp hội xuất khẩu lao động (VAMAS). Xếp hạng nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các tiêu chuẩn quốc tế về di cư lao động của các doanh nghiệp này.
Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều đặn trong các năm qua. (Ảnh minh họa. Nguồn: internet) |
Bộ quy tắc ứng xử (CoC-VN) được VAMAS ban hành năm 2010 và việc xếp hạng thực hiện các quy tắc được ILO hỗ trợ từ năm 2012, trong khuôn khổ chương trình tăng cường quản trị di cư lao động trong khu vực ASEAN.
Các tiêu chí của CoC-VN, với bảng xếp hạng gồm 4 nhóm: Xuất sắc (A1, A2), tốt (B1, B2), trung bình (C1,C2) và yếu (D1,D2). Dựa trên các tiêu chí của CoC-VN, năm 2015 đã đánh giá xếp hạng được 66 doanh nghiệp, trong đó gần 1/3 doanh nghiệp đạt 5 sao (A2) và không có doanh nghiệp nào được xếp hạng 6 sao (A1).
Việc xếp hạng này nhằm cải thiện việc thực hiện Bộ quy tắc và trách nhiệm của các đơn vị tuyển dụng. Ngoài ra, việc xếp hạng cũng khuyến khích tuân thủ luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ người lao động di cư tốt hơn...
Được biết so với bảng xếp hạng lần đầu tiên, số doanh nghiệp tham gia đã nhiều hơn gấp ba lần và vào năm tới, con số này có thể lên tới 90 doanh nghiệp trong tổng số hơn 240 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trước đó, năm 2014 chỉ có 47 doanh nghiệp xuất khẩu lao động được xếp hạng.
Bộ quy tắc CoC-VN là chuẩn mực nghề nghiệp, đạo đức trong hoạt động của các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, đồng thời đó là công cụ nâng cao chất lượng, thương hiệu doanh nghiệp và bảo vệ lao động di cư.
Ngoài ra, việc thực hiện Bộ quy tắc CoC-VN đã làm các DN có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động theo hướng chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử, dẫn đến chi phí cho NLĐ di cư đã giảm, làm tăng kiến thức và kỹ năng cho NLĐ trước khi xuất cảnh và hỗ trợ lao động về nước tốt hơn.
Theo khảo sát đối với hơn 1.000 lao động trước xuất cảnh do VAMAS thực hiện năm 2015, ba phần tư trong số đó cho biết họ phải vay mượn tiền để chi trả các loại chi phí để có thể đi lao động nước ngoài. Trong quá trình đánh giá xếp hạng, cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lẽ ra đã được xếp hạng ở mức cao hơn, nhưng đã mất điểm do người lao động phàn nàn về thu các mức phí cao.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được sếp hạng cao cũng cho rằng: “Từ những phương thức áp dụng trong Bộ quy tắc ứng xử, công ty cũng đã được các đối tác tin tưởng đầu tư các thiết bị giảng dạy và đào tạo nghề để đào tạo trực tiếp người lao động tại Việt Nam, giúp cho người lao động vững tay nghề khi sang nước ngoài làm việc, giảm thiểu rủi ro cho người lao động”.
Đại diện VAMAS cho biết, năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia vào quy trình này. Và VAMAS cũng mong việc triển khai thực hiện Bộ quy tắc và giám sát đánh giá kết quả thực hiện thu hút được sự tham gia, phối hợp đồng bộ của nhiều bên, bao gồm Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra kiểm tra về lao động, các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xã hội khác.
Thực tế, các doanh nghiệp tham gia đánh giá xếp hạng này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện dịch vụ tuyển dụng và bảo vệ lao động di cư, khi con số lao động Việt Nam lựa chọn di cư ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều đặn trong các năm qua. Năm 2013 là 88.000 lao động. Năm 2014 đã lên tới 105.000 lao động và chỉ trong 11 tháng năm 2015 đã là hơn 109.000 lao động.
Bảng xếp hạng các doanh nghiệp tuyển dụng XKLĐ năm 2015 nói trên có sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Australia. Việc làm này cũng nói lên vấn đề Di cư lao động tiếp tục là một vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải giải quyết tốt để hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.
Đại diện ILO Việt Nam cũng cho biết: “Người lao động di cư dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức trong quá trình di cư, tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương này có thể giảm xuống nếu họ lựa chọn di cư theo các kênh được quản lý tốt, và thông qua một doanh nghiệp tuyển dụng có xếp hạng cao bởi một hệ thống xếp hạng uy tín”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.