Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều đề xuất đóng góp cho xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thu Hằng| 05/04/2022 13:50

(HNMO) - Sáng 5-4, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học chính sách “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” trong khuôn khổ nhiệm vụ “Đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nội dung, giải pháp chính sách cần đánh giá tác động đối với 2 phương án: 

Phương án 1: Thành phố được quy định các cơ chế, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù trong thu hút, sử dụng, phát huy tiềm lực, vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học giỏi; khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố.

Phương án 2: Gồm phương án 1 và các giải pháp khuyến khích áp dụng các cơ chế thí điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo Tiến sĩ Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ, với mục tiêu “Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”, cần tháo gỡ 3 vướng mắc chính, đó là: Cơ chế tài chính; phát triển tổ chức khoa học và công nghệ; thu hút nguồn nhân lực. Theo ông, cần làm rõ danh hiệu “Công trình sư, Tổng công trình sư” mà thành phố sẽ thí điểm xét, đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng các nhà khoa học và công nghệ làm việc ở Thủ đô là danh hiệu tôn vinh hay chức danh nghề nghiệp? Nếu là danh hiệu thì phải tiếp cận theo Luật Thi đua - Khen thưởng. Nếu là chức danh nghề nghiệp thì “Tổng công trình sư” có quyền hạn gì và phải tiếp cận theo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức...

Về vấn đề “Hà Nội được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế mới”, Tiến sĩ Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, Hà Nội nên thí điểm xây dựng sandbox thể chế mới chứ không nên thí điểm sandbox sản phẩm mới. Và cũng không nên chọn sandbox Fintech mà nên xây dựng sandbox mô hình kinh tế hay trung tâm văn hóa... Khi thẩm định sandbox, cần có sự tham gia của 4 loại nhân lực, đó là: Chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý, chuyên gia công nghệ, chuyên gia khoa học công nghệ. 

Tiến sĩ Hoàng Xuân Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, cần làm rõ mục tiêu, định hướng “Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á” trên tiêu chí gì, chỉ số nào, từ đó mới đưa ra giải pháp chính xác. Theo ông, Hà Nội nên tập trung vào “chính sách vượt trội” chứ không nên tập trung vào “chính sách đặc thù”. Sắp tới, chính sách chung của quốc gia sẽ có nhiều thay đổi nên xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, nếu không sẽ lỗi thời, lạc hậu.

Theo TS Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại cuộc tọa đàm sẽ được Viện tổng hợp để xây dựng Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đề xuất đóng góp cho xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.