Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều công trình giao thông tạo động lực phát triển mới

Tuấn Lương| 10/10/2018 06:23

(HNM) - Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương nơi dự án đi qua.


Thêm “điểm đen” ùn tắc được giải quyết

Cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên là một trong 8 công trình giao thông trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo cơ chế đặc thù nhằm góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối thuận lợi từ Sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố.

Cầu vượt nút giao An Dương đã sẵn sàng thông xe. Ảnh: Tuấn Khải


Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 312 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 12-2017. Ngoài cầu vượt có chiều dài 271m, bề rộng 10m, dự án còn kết hợp điều chỉnh một phần kết cấu đê Hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương nhằm vừa bảo đảm an toàn chống lũ vừa kết hợp phục vụ giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị; mở rộng cửa khẩu An Dương và xây mới 3 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có (tại ngõ 108, 276 và 310 đường Nghi Tàm).

Đây là một trong những dự án gặp nhiều khó khăn trong suốt quá trình thi công dẫn tới có những thời điểm không bảo đảm tiến độ. Một phần là do điều kiện thi công phức tạp, đoạn đường Nghi Tàm là tuyến giao thông huyết mạch, có lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Việc vận chuyển bùn đất khi hạ cốt đê chỉ được thực hiện vào ban đêm để tránh làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Công tác phối hợp với đơn vị thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đưa dự án “về đích” bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu của thành phố.

“Vào giờ cao điểm, các luồng phương tiện lưu thông từ Yên Phụ, An Dương, Thanh Niên, Nghi Tàm qua đây rất lớn khiến khu vực nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc. Thành phố quan tâm đầu tư cầu vượt tại đây là rất trúng với mong muốn của người dân và chắc chắn dự án sẽ phát huy hiệu quả tốt” - ông Nguyễn Văn Đức, ngõ 76 An Dương (quận Tây Hồ) phấn khởi nói.

Cũng vì tính cấp bách và vai trò quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị nên trong suốt quá trình thi công, dự án luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo TP Hà Nội. Trực tiếp đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thị sát công trình. Cùng với việc động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường, lãnh đạo thành phố còn chỉ đạo kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc để dự án triển khai được thuận lợi, từ đó góp thêm cho Thủ đô một công trình chất lượng, hiệu quả. Có cây cầu vượt cùng với đoạn đường từ cửa khẩu An Dương đến khách sạn Thắng Lợi được mở rộng, “điểm đen” ùn tắc tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên và trên tuyến đường Nghi Tàm, Yên Phụ sớm được giải quyết.

Về gần hơn với Thủ đô


Hai dự án giao thông trọng điểm nhằm hoàn chỉnh và tăng cường khả năng kết nối các địa phương với Thủ đô Hà Nội do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư cũng đã kịp hoàn thành và thông xe vào dịp 10-10 này. Đó là tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và cầu Việt Trì - Ba Vì. Đây cũng là hai dự án mà các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã nỗ lực rất lớn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho các nhà thầu thi công.

Theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình được xây dựng mới hoàn toàn, với tổng chiều dài 25,69km. Ngay sau khi có nguồn vốn, mặt bằng, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, phương tiện, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công trên toàn công trường. Tuyến đường được đưa vào khai thác sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải trên hành lang đường bộ nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội, giảm khoảng cách 20km và rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội - Hòa Bình từ 1,5 giờ xuống còn khoảng 1 giờ so với tuyến đường cũ, tạo điều kiện thuận lợi để Hòa Bình thu hút các nhà đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Với cầu Việt Trì - Ba Vì, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty BOT Phú Hà cho biết, dự án có tổng chiều dài 9,46km. Trong đó, phần cầu chính vượt sông Hồng có chiều dài 1,55km, đường dẫn phía Phú Thọ dài 0,26km và đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km. Công trình đã hoàn thành sau hơn 2 năm triển khai thi công, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để đưa vào khai thác. Cây cầu mới này sẽ nối liền và rút ngắn quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm TP Việt Trì khoảng 20-30km; đồng thời, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 32, quốc lộ 32C.

Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì khi đưa vào khai thác hứa hẹn thúc đẩy việc phát triển tiềm năng du lịch dịch vụ. Cùng với đó sẽ mở rộng, lan tỏa vùng động lực của Hà Nội với tỉnh Phú Thọ và các tỉnh vùng Tây Bắc, tạo ra hạ tầng giao thông đồng bộ của khu vực. Và để tăng thêm ý nghĩa cho dự án này, mới đây UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Phú Thọ đã thống nhất đề xuất đặt tên cho cầu mới là cầu Văn Lang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều công trình giao thông tạo động lực phát triển mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.