(HNM) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV (khai mạc hôm nay 23-10), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri quận Hai Bà Trưng phát biểu tại một cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. |
Chuyển biến tích cực
So với kỳ họp trước, số ý kiến, kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV giảm hơn (kỳ trước là 2.901 ý kiến, kiến nghị). Nhìn chung, cử tri và nhân dân tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy.
Theo Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thanh Hải, thông qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ ba của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 2.868 kiến nghị cử tri. Sau khi tổng hợp, phân loại, có 2.458 kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trong đó, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 2.284/2.284 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Điều đó cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đều rất nghiêm túc, tích cực, có trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, đã có tới 21/24 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp ký văn bản trả lời cử tri. Tiêu biểu như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp ký 206 văn bản; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ký 193 văn bản; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký 145 văn bản…
Cùng với đó, việc Chính phủ đang vận hành hệ thống tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và doanh nghiệp tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cũng là một kênh hiệu quả để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hoạt động này góp phần tiếp nhận, xem xét, giải quyết và trả lời cử tri một cách nhanh chóng, kịp thời có chất lượng.
Nhiều vấn đề bức thiết
Gửi ý kiến, kiến nghị đến kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về một số vấn đề như: Nợ công cao, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả gây thất thoát lớn; công tác cán bộ còn nhiều bất cập; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư của các bộ, ngành trung ương, các địa phương chưa hiệu quả; chưa có giải pháp hữu hiệu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; dịch sốt xuất huyết, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp; ùn tắc giao thông, úng ngập ở các thành phố lớn giải quyết chưa hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác quản lý, điều chỉnh, triển khai quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương, đặc biệt ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý. Cử tri TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị, Chính phủ chỉ đạo công khai và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt. Khi rà soát, điều chỉnh dự án lớn tại trung tâm các đô thị phải tổ chức lấy ý kiến người dân.
Liên quan vấn đề kinh tế, kế hoạch, đầu tư, cử tri TP Hà Nội tiếp tục phản ánh việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 chưa đạt kết quả như mong muốn. Đến nay, vẫn còn các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội hoạt động, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Cử tri đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ di dời các trụ sở đó ra khỏi nội đô trước năm 2020, bàn giao trụ sở cũ để thành phố xây dựng công trình công cộng.
Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 5 nhóm vấn đề. Đó là tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tinh giảm bộ máy, giảm đầu mối, đơn vị và thủ tục hành chính; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật; Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch đô thị phù hợp với tổng thể chung.
Có thể thấy, về cơ bản, nội dung các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đều rất thiết thực với đời sống và đã được kiến nghị nhiều lần. Do đó, để giải quyết dứt điểm, hiệu quả, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực hơn nữa của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.