(HNMO) - Thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023, chiều 12-5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ, chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”.
Các vấn đề người lao động ngành Xây dựng đặt ra trong chương trình cho thấy, chính sách, quy định để bảo đảm thu nhập và an toàn lao động được anh chị em đặc biệt quan tâm.
Trao đổi về quyền lợi người lao động liên quan đến nghỉ phép, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội khẳng định, nếu người sử dụng lao động không bố trí được ngày nghỉ phép cho người lao động, có sự thỏa thuận nhất trí giữa hai bên, thì được phép chi trả bằng tiền với mức bằng 300% tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trong quá trình làm việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải thanh toán 100% chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động. Trả đầy đủ tiền lương trong thời gian nhân viên nghỉ việc 3 tháng. Sau khi người lao động ổn định, giám định sức khỏe đầy đủ, căn cứ vào tỷ lệ giám định sức khỏe đó doanh nghiệp chịu chế độ bồi thường tai nạn lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ để giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Cũng theo ông Tạ Văn Dưỡng, căn cứ quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình, nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.
Ông Tạ Văn Dưỡng khuyến cáo, người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Trả lời câu hỏi về tuổi nghỉ hưu, bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, với trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu vẫn có nguyện vọng đi làm, thì quyền lợi vẫn được thể hiện trong giao kết hợp đồng lao động. Nếu người lao động có lương hưu thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia đóng bảo hiểm. Còn người lao động đến tuổi hưu nhưng không có lương hưu thì vẫn có thể tham gia đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ như bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.