Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều câu hỏi chưa thể trả lời

Đà Đông| 27/09/2012 06:45

(HNM) - Đợt giám sát trực tiếp việc chấp hành pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khung giá viện phí tại 9 bệnh viện (BV) và Sở Y tế của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội vừa kết thúc.

Điều chỉnh viện phí theo hướng tăng lên liệu chất lượng khám, chữa và chăm sóc người bệnh có được nâng cao?  Ảnh: Khánh Nguyên

Tăng giá, người có thẻ bảo hiểm y tế được lợi?

Hiện nay, tại các BV trong hệ thống công lập, ngân sách nhà nước đang là nguồn vốn chủ đạo. Định mức 72 triệu đồng/giường bệnh đối với BV hạng 1; 60 triệu và 55 triệu đồng/giường cho hạng 2, hạng 3 và ngân sách TP đầu tư cho hoạt động y tế hằng năm đều tăng nhưng theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chi cần thiết cho các hoạt động phát triển y tế Thủ đô.

Các BV đều cho rằng, giá viện phí quá thấp hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh, nhất là các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế. Để giải bài toán này, Sở Y tế Hà Nội đề xuất tăng phí 690 mục kỹ thuật, dịch vụ trên tổng số 2.062 dịch vụ y tế hiện nay. Việc điều chỉnh tăng giá sẽ được thực hiện theo lộ trình 3 năm (2013, 2014, 2015), đến năm 2015, mức tăng giá sẽ bằng 100% so với Thông tư 04 của liên Bộ Tài chính Y tế mới ban hành.

Theo bà Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV đa khoa Xanh Pôn, BV được phân tuyến kỹ thuật là tuyến TƯ nhưng giá viện phí hiện nay chỉ được thu bằng 75-80% giá của các BV TƯ, đây là một thiệt thòi vì cùng là tuyến đầu, chất lượng tương đương, chi phí như nhau nhưng các BV của Hà Nội chỉ được thu viện phí thấp hơn. Mặt khác, từ năm 1995 đến nay, giá viện phí vẫn áp dụng theo mức cũ, 17 năm chưa thay đổi trong khi tất cả các chi phí khác đều tăng nhanh, để có thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, BV phải tận dụng tối đa số giường bệnh, đồ dùng cũ. Từ thực tế này, lãnh đạo BV cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) theo hướng tính đủ chi phí theo giá thị trường từng giai đoạn. Hơn nữa, nếu giá viện phí được điều chỉnh, đối với bệnh nhân BHYT, phần lớn số tiền này sẽ do BHYT thanh toán, thay vì người bệnh phải tự bỏ tiền ra thanh toán.

Tại BV Phụ sản Hà Nội, hiện tượng nằm ghép, nằm ngoài hành lang vẫn tồn tại dù đã tận dụng tối đa cơ sở vật chất, bố trí lên đến 560 giường (quy mô chỉ 300 giường) mà vẫn không thể đáp ứng hết số bệnh nhân. Theo Giám đốc BV Nguyễn Huy Bạo, áp dụng khung giá viện phí mới, BV mới có thêm kinh phí đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại và như vậy các đối tượng BHYT sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Mê Linh. Ảnh: Bá Hoạt

Giá tăng, chất lượng có tăng?

Chẳng phải ngẫu nhiên mà y tế lại bị xếp vào một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhiều nhất hiện nay và báo chí đã đề cập nhiều nhũng nhiễu ở các cơ sở KCB. Đến thực tế tại các BV có thể thấy, khu KCB dành cho các đối tượng có thẻ BHYT luôn quá tải ngay từ đầu giờ sáng. Thời gian khám bệnh chỉ vài phút nhưng bệnh nhân phải chờ đợi vài tiếng đồng hồ; nếu phải làm xét nghiệm còn tốn thêm thời gian chờ kết quả cũng như chờ bác sĩ kết luận, kê đơn. Nhiều bệnh nhân dù có thẻ BHYT nhưng vẫn phải đóng thêm các loại phí khác, thậm chí để được hưởng dịch vụ tốt hơn, chăm sóc tốt hơn, không ít người phải chấp nhận từ bỏ quyền lợi BHYT để KCB theo diện tự nguyện…

Chính vì vậy, trước đề xuất của ngành y tế Hà Nội về việc điều chỉnh giá viện phí, các thành viên Đoàn giám sát của HĐND TP đã đặt ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh quyền lợi của bệnh nhân, nhất là những người có thẻ BHYT. Điều lo lắng này là có cơ sở bởi theo cơ cấu giá viện phí hiện nay, giá thuốc chiếm tới 65%, còn các kỹ thuật y tế chỉ chiếm 35%. Hơn nữa, trong 690 danh mục kỹ thuật được đề nghị tăng giá, phần lớn đều thuộc phần cơ quan bảo hiểm phải chi trả. Liệu với đề xuất tăng giá này, các bệnh nhân, đặc biệt là đối tượng sử dụng thẻ BHYT có phải chi trả thêm khoản nào khác, khắc phục được tình trạng lạm thu như hiện nay. Và đây có thực sự là bài toán hữu hiệu để giải quyết ổn thỏa tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các BV?

Đáng tiếc là các câu hỏi trên chưa được trả lời thỏa đáng tại các buổi giám sát. Không một cơ quan chức năng nào có thể khẳng định nếu được tăng giá, những bất cập trong KCB cũng như lĩnh vực y tế hiện nay sẽ từng bước được khắc phục. Thiết nghĩ việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế cần được xem xét thấu đáo trên cơ sở tính đúng, tính đủ và bảo đảm cao nhất quyền lợi của người bệnh, nhất là các đối tượng có thẻ BHYT. Dự kiến, tại kỳ họp cuối năm nay, HĐND TP sẽ xem xét, cho ý kiến vào nội dung này. Điều cử tri hy vọng là đừng để xảy ra tình trạng giá tăng mà chất lượng không tăng!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều câu hỏi chưa thể trả lời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.