Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cảm xúc và bộn bề trải nghiệm

Đặng Huy Giang| 15/08/2021 05:05

(HNMCT) - Nhà thơ Lê Quý Dương làm thơ từ rất sớm, hồi ông còn chiến đấu ở chiến trường B, trong những năm cuối thập niên thứ 6 của thế kỷ trước. Ở thời hoa lửa ấy, ông làm thơ như một nhu cầu tự thân. Trước hết là để gửi gắm tấm lòng mình vào thơ. Sau nữa là để ghi lại dấu ấn của một thời trai trẻ đầy gian nan, thử thách. Một xuất phát trong thơ như vậy thật trong sáng và hết sức đáng trân trọng.

Dấu ấn chiến tranh đầu tiên đi qua ông là những căn hầm. Đó là bài “Hầm cá nhân” được ông viết ở Mường Xén năm 1969: “Sau những lần xuất kích/ Ta lại về với căn hầm cá nhân/ Mùi rễ cây rừng nồng hương cay/ Tỏa ra từ mạch đất.../ Những căn hầm cá nhân/ Quanh năm ẩm ướt/ Ô cửa nhỏ chỉ mình ta qua/ Ánh ngày rọi vào le lói”. Rồi từ nơi ấy, người lính Lê Quý Dương nghe được: “Từng đêm, từng đêm/ Thẳm sâu từ lòng đất/ Tiếng ngàn năm sông núi vọng về”.

Còn trong “Lớp học dưới hầm”, Lê Quý Dương không khỏi dằn vặt khi thấy các em nhỏ học "i", "tờ"... dưới lòng đất và ông tự đặt ra một câu hỏi đau lòng: “Tiếng mở đầu cho cuộc đời em/ Sao phải vang lên từ lòng đất?”.

Chiến tranh là nỗi ám ảnh lớn nhất trong thơ Lê Quý Dương. Đề tài này trở đi trở lại qua nhiều bài thơ: “Viết ở Khe Sanh”, “Viết dưới chân Thành Cổ”, “Chiều Thạch Hãn”, “Trắng màu Quảng Trị”, “Mây trắng”, “Có những búp sen không bao giờ nở”... Với ông, chiến tranh là “nước mắt đắng”, là “cát trắng”, là “mây trắng” đến nỗi “trắng lạnh phía chân trời”. Bởi thế khi trở lại Khe Sanh, ông viết: “Bạn bè tôi/ Và biết bao người nữa/ Nằm lại nơi đây/ Dằng dặc nghĩa trang/ Mãi mãi giữa đại ngàn/ Trắng toát/ Lặng thinh!”. Và: “Xin chớ vô tình/ Với màu trắng nghĩa trang - cát trắng!”.

Sau chiến tranh nhiều năm, con người lãng mạn trong Lê Quý Dương vẫn được nuôi nấng, gìn giữ như phẩm cách vốn có của một nhà thơ. Về đề tài tình yêu, ông có một số bài thật hay như “Khoảng cách”, “Mưa giao mùa”, “Chúa cũng lắc đầu”... Trong “Khoảng cách”, ông có đến 20 năm rất gần một người, ngày nào cũng gặp, nhưng vì lý do tế nhị nào đó mà không thể vượt qua, để rồi ông trở trăn câu hỏi: “Đời người/ Mấy lần hai mươi năm”. Đặc biệt, ông buông hai câu kết thật đắt: “Vẫn hối hả thu đi/ Chân trời không gần lại!”.

Nhưng tứ thơ độc đáo và nặng đồng cân hơn cả của Lê Quý Dương vẫn là “Tôi sợ mất những gì mà tôi không có”. Thông thường, người ta chỉ sợ mất những gì đang có, vậy mà Lê Quý Dương ở đây: “Tôi sợ mất những gì mà tôi không có”. Những gì lớn lao ở đây (“bầu trời trong xanh”, “những cánh chim”, “những đám mây”, “nắng vàng”, “biển biếc”, “đêm trăng”, “tiếng sáo diều”, “cánh đồng xanh”, “dấu chân ai”...) lại ở rất xa và ngoài vòng tay với. Có vẻ như một sự thức tỉnh nào đó trong cõi vô thức đã khiến Lê Quý Dương cho rằng: Chúng đã từng của mình, đã từng sống với mình. Riêng cái tứ thơ đã quá độc đáo. Và khi tìm ra cái tứ, đã có ngay một bài thơ độc đáo, khỏi phải vất vả tìm từ, tìm ngữ hay cách thể hiện...

Thơ Lê Quý Dương mạnh ở sự chân thành, nhiều xúc cảm và bộn bề trải nghiệm. Và trên cái nền ấy mà chưng cất thành thơ. Thơ ấy cũng là thơ thăng hoa từ chính cuộc đời của ông vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cảm xúc và bộn bề trải nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.