(HNM) - Phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông là một trong 6 Chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011-2015. Để thực hiện thành công chương trình này, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải thu hút được các nguồn lực nhằm tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng…
Cầu Phú Mỹ nối các tỉnh miền đông Nam bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long - một công trình “xã hội hóa” đầu tư. |
Thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách
Phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp thật sự là một bài toán khó cho TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, đã có những hình thức kêu gọi xã hội hóa đầu tư như BOT, BT, BOO hoặc mới đây nhất là hình thức hợp tác công tư PPP… TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng hoàn thiện 3 tuyến vành đai, 11 trục đường hướng tâm đối ngoại, 7 đường cao tốc, 4 đường trên cao, hoàn thiện 2 trục chính xuyên tâm đô thị; xây dựng 25 cầu, hầm lớn bắc qua các sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu… Nhưng trước hết, TP tập trung xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bến bãi hiện có và xây dựng các bến bãi mới để hình thành mạng lưới giao thông tĩnh hiện đại; trong đó ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe tại khu vực đô thị đã ổn định; xây dựng các bến bãi trung chuyển hàng hóa ở cửa ngõ ra vào nội đô và dọc tuyến vành đai số 2; cải tạo và xây dựng các kho thông quan nội địa. Đầu tư xây dựng đưa năng lực khai thác hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 200 triệu tấn/năm vào năm 2020. Trong năm tới sẽ hoàn tất việc di dời các cảng biển (Tân Cảng, Nhà máy đóng tàu Ba Son, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông và cảng Rau Quả) trên sông Sài Gòn ra khỏi khu vực trung tâm TP. Các cảng biển mới tại Hiệp Phước và Cát Lái cũng hoàn thiện để có khả năng tiếp nhận tàu hàng hóa và tàu khách có trọng tải lớn. Trong năm 2011, TP nâng cấp các tuyến vành đai vận tải thủy nội địa số 1 và số 2; đồng thời tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa.
Trong kế hoạch tài khóa 2011-2015, TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị; xây dựng và đưa vào khai thác 6 tuyến metro, 3 tuyến tramway và monorail; phát triển hệ thống xe buýt, kết hợp tăng số lượng phương tiện với việc bố trí kết nối liên hoàn luồng tuyến, hình thành 24 hành lang xe buýt. Hiện nay, TP đã đàm phán xong và đang triển khai 7 hợp đồng BOT, BT với tổng vốn đầu tư 15.900 tỷ đồng; chuẩn bị đàm phán 11 hợp đồng tương tự với tổng vốn 39.280 tỷ đồng, và đang kêu gọi đầu tư 31 dự án với tổng vốn 167.585 tỷ đồng.
Cần nhiều biện pháp "đòn bẩy"
Để thu hút thành công các nguồn lực xã hội, một trong những vấn đề then chốt cần làm là cải cách thủ tục đầu tư. Thời gian qua, TP đã công khai kêu gọi đầu tư nhiều công trình giao thông trên website và nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác hoặc thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư… nhưng nhiều dự án giao thông vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư. Về việc này, trong khả năng của mình, Sở GTVT đang cố gắng cải cách thủ tục, chuẩn bị kỹ các dự án kêu gọi đầu tư, tháo gỡ nhanh các vướng mắc của các nhà đầu tư, đề xuất cải tiến các thủ tục, quy trình phối hợp để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư… để cùng các ngành của thành phố thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, xã hội và nhà đầu tư.
Có thể nói, trong nhiều năm qua công tác phát triển vận tải hành khách công cộng tại TP Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành công nhất định, song vẫn còn nhiều bất cập. Để từng bước hạn chế xe cá nhân, chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng của TP sẽ phải triển khai nhiều hoạt động như: nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của xe buýt, đầu tư phát triển một mạng lưới vận tải hành khách công cộng liên hoàn và thuận tiện, chú trọng đến việc quy hoạch giữ quỹ đất và chính sách thu hút đầu tư phát triển hệ thống bến bãi… Đặc biệt, thời gian tới, chính quyền TP cùng các ban, ngành liên quan sẽ đưa ra nhiều vấn đề mang tính chất "đòn bẩy" cho hoạt động vận tải hành khách công cộng như lộ trình hạn chế xe cá nhân, chống lấn chiếm vỉa hè, dành vỉa hè cho người đi bộ, mạnh dạn dành các làn đường riêng cho phát triển BRT - một loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn bằng xe buýt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.