(HNM) - Phải làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội; tăng cường ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra các vụ án nghiêm trọng có dấu hiệu oan sai.
Do vậy, phải làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội; tăng cường ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra các vụ án nghiêm trọng có dấu hiệu oan sai. Nhiều ý kiến đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra tại phiên họp ngày 6-11.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đỗ Kim Tuyến phát biểu tại hội trường ngày 6-11. Ảnh: TTXVN |
So với dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trước đó, dự thảo công bố ngày 6-11 có khá nhiều điểm mới. Điển hình là rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời bổ sung các điều kiện bảo đảm quyền tự bào chữa của bị can…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, trước đa số ý kiến của ĐBQH đề nghị làm rõ nội dung nguyên tắc "Suy đoán vô tội", bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, Ban soạn thảo đề xuất: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Như vậy, có thể hiểu khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội. Đây là một bước tiến trong việc phòng chống oan sai và tiếp cận gần hơn với quy định của Hiến pháp 2013.
Về vấn đề dư luận rất quan quan tâm hiện nay là nên bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Với năng lực thực tiễn hiện nay, chỉ nên thêm cơ quan kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không bổ sung cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
ĐB Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre), Phạm Hồng Phong (Đoàn Hậu Giang) nhận định, những đề xuất nêu trên khá cụ thể, rõ ràng, thể hiện được quan điểm tiến bộ vượt bậc trong hoạt động tố tụng hình sự. Song, thời điểm này, bên cạnh những đề xuất mới, Chính phủ, Quốc hội cần đầu tư nguồn lực, có chế tài thực hiện trên tinh thần cải cách tư pháp mới có thể chống bỏ lọt tội phạm, bảo đảm lợi ích cho những bị can, bị cáo đang ở trong vòng lao lý. "Theo tôi, điều luật nên thiết kế theo hướng cơ quan người tiến hành tố tụng phải đặt người có hành vi phạm tội vào tư cách người không phạm tội. Trên cơ sở đó bắt đầu tiến hành thu thập chứng cứ, tránh áp đặt" - ĐB Phạm Hồng Phong cũng chỉ ra rằng: Theo nội dung dự thảo luật, Ban soạn thảo đặt người tình nghi phạm tội là người phạm tội. Theo hướng đi này, quá trình điều tra truy tố xét xử phải tập trung vào các chứng cứ buộc tội và chỉ khi nào không tìm ra chứng cứ chứng minh là họ không phạm tội thì lúc đó mới sử dụng các chứng cứ để tuyên bố người vô tội. Việc này cần nghiên cứu lại để tránh làm oan sai người không có tội.
Ở thời điểm hiện tại, việc tiếp cận tài liệu liên quan đến các vụ án chưa được thực hiện đồng nhất ở mỗi địa phương. Đây có thể là nguy cơ làm nghẽn quá trình cải cách tư pháp, do đó nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.
Việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can cũng cần triển khai song song để vừa bảo đảm tính minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị ghi rõ trong luật những quy định cụ thể về việc ghi âm, ghi hình, nhất là việc sử dụng băng ghi âm, ghi hình để tránh lách luật. ĐB Phạm Trường Dân (Đoàn Quảng Nam) đặt vấn đề: Hằng năm các cơ quan điều tra phải thụ lý khoảng 100 nghìn vụ án hình sự, với khoảng 160 nghìn bị can. Nếu thực hiện ghi âm, ghi hình thì có phải in sao băng ghi âm, ghi hình gửi kèm hồ sơ vụ án chuyển cho Viện Kiểm sát, Tòa án sau khi kết luận điều tra của cơ quan điều tra không? Việc khai thác băng ghi âm, ghi hình như thế nào, các băng ghi âm, ghi hình có được coi là tài liệu mật hay không? Nếu Quốc hội quyết định tăng cường ghi âm, ghi hình thì cần làm rõ hơn các cơ sở để thực hiện.
Ở góc nhìn khác, ĐB Trần Đình Sơn (Đoàn Đắk Lắk), ĐB Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cho rằng, so với điều kiện thực tiễn của chúng ta hiện nay, trước mắt chỉ nên thực hiện ghi âm, ghi hình ở những vụ án nghiêm trọng, có dấu hiệu oan sai; bị can có đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình. Bởi thực tế điều tra các vụ án, hoạt động hỏi cung không chỉ diễn ra một vài lần mà phải trải qua nhiều lần khác nhau, với nhiều bị can khác nhau, lần nào cũng phải làm các thủ tục nêu trên thì mất quá nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ điều tra vụ án, nhất là các vụ án cần phải khẩn trương hỏi cung để truy bắt đối tượng liên quan khác, phát hiện và ngăn chặn hành vi phạm tội khác, thu thập tài liệu, chứng cứ. Hơn nữa, theo ĐB Bùi Văn Xuyền, thời quan qua, xảy ra bức cung nhục hình chủ yếu do năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, nôn nóng phá án nhanh của điều tra viên. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giáo dục đạo đức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
ĐB Phạm Trường Dân (Đoàn Quảng Nam): Quyền im lặng sẽ làm khó công tác điều tra Quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội, thực chất là "quyền im lặng". Tôi đã đề xuất từ kỳ họp trước và đến nay vẫn bảo lưu quan điểm không quy định trong dự thảo về quyền im lặng mà vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Vì nếu quy định sẽ làm chậm tiến độ điều tra gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống tội phạm. Đơn cử, nếu tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản nhà nước? Tội phạm giết người, cướp của mà im lặng thì làm sao truy tìm tang vật, giải quyết kịp thời vụ án, đem lại bình yên cho nhân dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.