(HNMO)- Trên địa bàn Hà Nội hiện xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh có bán rượu, sử dụng nhạc mạnh hoạt động như mô hình quán bar...
Chưa có quy định về lãi suất cho vay
Tính đến tháng 12-2013, trên địa bàn Hà Nội có 2.525 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 34 doanh nghiệp, còn lại là các hộ kinh doanh cá thể. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tập trung chủ yếu trên địa bàn: Đống Đa, Hà Đông, Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Xuân.
Thực hiện Nghị định số 72/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Công an thành phố đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT đối với các ngành nghề, xác định một số ngành nghề có tác động đến ANTT, nhất là loại hình kinh doanh cầm đồ. Năm 2013, Công an thành phố đã ban hành kế hoạch về tổng điều tra cơ bản loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Toàn thành phố đã tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm đối với 515 trường hợp, trong đó xử phạt hành chính 514 trường hợp với tổng số tiền hơn 594 triệu đồng; thu hồi 13 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; đình chỉ kinh doanh có hiệu lực 46 trường hợp; truy tố 1 vụ và 1 đối tượng do tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Mặc dù kinh doanh cầm đồ là loại hình kinh doanh có điều kiện về ANTT, tuy nhiên các quy định hiện hành còn đơn giản |
Theo đánh giá của Công an thành phố Hà Nội, quản lý hoạt động kinh doanh cầm đồ gặp phải rất nhiều khó khăn, phức tạp, trong khi các quy định của nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở. Trên thực tế, rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh không trực tiếp đứng tên kinh doanh, mà sử dụng người làm thuê đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý, tránh xem xét trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra. Dịch vụ cầm đồ cầm cố tài sản mà không phải là bất động sản, cầm cố tài sản không có hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng không thực hiện việc trả lãi theo quy định; tài sản cầm cố để tại kho bãi không cùng địa điểm giao dịch hoặc chủ cầm đồ gửi nhà họ hàng, người thân gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều chủ cầm đồ nhận hồ sơ cầm cố biến tướng dưới dạng cho vay với lãi suất cao; cầm cố tài sản là tang vật vụ án. Liên quan đến hoạt động cầm đồ tiềm ẩn các hoạt động phạm pháp, như: bảo kê, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ thuộc danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, các quy định điều kiện về quản lý đối với loại hình này còn đơn giản, chưa thực sự điều chỉnh những quan hệ trong hoạt động kinh doanh nên còn nhiều kẽ hở mà người kinh doanh và người tham gia sử dụng dịch vụ lợi dụng. Ngoài quy định tại Nghị định 72 quy định về điều kiện ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì không có quy định nào khác quản lý đối với loại hình này, nhất là quy định về lãi suất cho vay.
Trá hình nên... khó quản
Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 54 cơ sở kinh doanh có bán rượu, sử dụng nhạc mạnh, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy.
Các cơ sở này hoạt động từ 20 giờ đến 24 giờ hằng ngày, thu hút rất đông thanh niên, người nước ngoài. Đây được coi là môi trường tiềm ẩn cho các đối tượng tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, gây mất trật tự công cộng... Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh loại hình trên không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện về ANTT, bởi các cơ sở trên đều đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, trong khi chưa có tiêu chí cụ thể để xác định đó có phải là kinh doanh quán bar hay không.
Trên thực tế, các cơ sở kinh doanh trên đều được đăng ký kinh doanh ngành nghề ăn uống, giải khát, bán rượu, bia, thuốc lá do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương cấp giấy phép. Nhưng trong quá trình hoạt động kinh doanh có sử dụng âm thanh, ánh sáng có công suất lớn theo kiểu kinh doanh vũ trường. Việc áp dụng chế tài xử lý đối với loại hình kinh doanh này rất khó vì chế tài xử lý vi phạm kinh doanh quá giờ quy định là hoạt động kinh doanh bar, nhưng thực tế tất cả các cơ sở kinh doanh trên đều là kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát (trong đăng ký kinh doanh ghi rõ không bao gồm kinh doanh bar).
Hà Nội hiện xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh giải khát, ăn uống hoạt đông như mô hình quản bar, gây khó khăn cho cơ quan chức năng quản lý |
Đối với các cơ sở kinh doanh loại hình này thường xuyên thay đổi người đại diện theo pháp luật, tư cách pháp nhân nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm của các cơ quan chức năng có liên quan đối với các cơ sở kinh doanh còn hạn chế, chưa có sự phối hợp trao đổi thông tin công tác quản lý. Năm 2013, toàn thành phố kiểm tra và xử lý vi phạm đối với 291 lượt, xử phạt hơn 148 triệu đồng.
Điều đáng nói, đến thời điểm này vẫn chưa có khái niệm hay định nghĩa mang tính pháp lý đối với loại hình kinh doanh quán bar nên gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT của loại hình kinh doanh này mà từ tháng 6-2007, Công an thành phố đã đưa loại hình kinh doanh này vào ngành, nghề nhạy cảm, phức tạp về ANTT cần tăng cường công tác phóng ngừa.
Được biết, Công an thành phố đang dự thảo chỉ thị để trình UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo chuyên ngành, thẩm quyền đối với những loại hình kinh doanh này. Theo đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành có liên quan căn cứ vào mã ngành nghề kinh doanh để làm rõ khái niệm thế nào là kinh doanh quán bar. Đồng thời, tổ chức tổng rà soát thực tế, xác định quy hoạch loại hình này trên từng địa bàn, tránh phát triển tự phát như hiện nay.
Bên cạnh đó, theo Công an thành phố Hà Nội, đối với các địa điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hoạt động kinh doanh bán rượu, sử dụng nhạc mạnh theo mô hình quán bar nhiều lần bị xử lý vi phạm hành chính, ảnh hưởng đến ANTT, cơ quan công an cấp cơ sở có kiến nghị, thì cơ quan cấp đăng ký kinh doanh không cấp đăng ký kinh doanh tại địa điểm đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.