Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bất cập trong đền bù, giải phóng mặt bằng

Thùy Ngân - Nguyên Hà| 03/08/2015 06:35

(HNM) - Cho rằng, trong quá trình thực hiện Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (giai đoạn II), Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Hoàng Mai đã không thông báo cụ thể về chủ trương thu hồi đất cũng như chính sách hỗ trợ, đền bù tái định cư đối với các hộ dân có đất bị thu hồi để phục vụ dự án.

Bên cạnh đó, việc kê khai, xác minh nguồn gốc đất cũng như tài sản trên đất cũng không được thực hiện theo trình tự, quy định nên đến nay gần 100 hộ dân sống trên địa bàn phường Thịnh Liệt vẫn chưa đồng thuận với các phương án đền bù GPMB do quận đề ra…

Dự án thoát nước giai đoạn II qua phường Thịnh Liệt chưa được thi công do chưa có mặt bằng "sạch".



Nhiều phương án chưa được đồng thuận

Theo bà Đặng Thị Lan Anh, người đại diện cho hàng chục hộ gia đình có đất bị thu hồi tại tổ 31 phường Thịnh Liệt thì từ năm 2010, người dân địa phương đã được chính quyền mời đến UBND phường để nghe thông báo về việc thực hiện dự án thoát nước trên các sông đi qua địa bàn quận Hoàng Mai. Cũng tại hội nghị, các hộ gia đình trong diện có đất bị thu hồi được biết vào năm 2011, Hội đồng đền bù GPMB quận Hoàng Mai sẽ tiến hành kiểm đếm, đo vẽ mốc giới GPMB lấy đất phục vụ dự án. Tuy nhiên, trong thời gian này, nhà đất của bà Lan Anh cũng như các hộ gia đình khác không hề được cơ quan chức năng đến đo vẽ, xác định chỉ giới. Đến năm 2015, vì quá lo lắng, không biết đến bao giờ dự án mới được triển khai, trong khi đó chỗ ở lại xuống cấp, hư hỏng qua ngày, bà Lan Anh đã phải đích thân đến UBND quận Hoàng Mai để tìm hiểu. Tại đây bà nhận được phương án dự thảo hỗ trợ, đền bù GPMB đối với diện tích đất bị thu hồi để phục vụ dự án. Trong khi bà và các gia đình khác chưa đồng tình thì tiếp tục nhận được phương án bồi thường GPMB chính thức. Điều đáng nói, cùng với phương án chính thức này bà còn được gửi kèm một số văn bản, như: Quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cùng với Thông báo về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù GPMB, tất cả trong cùng một ngày. Sự việc này, khiến gia đình bà và các gia đình khác không kịp xoay xở.

Cùng với bà Đặng Thị Lan Anh, hơn 80 hộ dân khác (từ tổ 13 đến tổ 37, phường Thịnh Liệt) liên quan đến GPMB Dự án thoát nước giai đoạn II cũng băn khoăn vì những kiến nghị chưa được cơ quan chức năng quận Hoàng Mai giải quyết thỏa đáng nhưng mới đây chính quyền đã tống đạt quyết định cưỡng chế đến từng hộ. Ví dụ, như việc thu hồi diện tích đối với một số gia đình đã có dấu hiệu vượt mức so với phương án được phê duyệt hoặc xác định chưa đúng nguồn gốc đất, nhưng Hội đồng đền bù GPMB lại tính là đất nông nghiệp và đất lấn chiếm. Cùng với đó là việc xác minh thiếu các công trình cùng tài sản trên đất, chưa có thông báo chính thức giá và địa điểm nhà tái định cư…

Dự án kéo dài, áp dụng nhiều chính sách giải phóng mặt bằng

Trở lại Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội, được biết ngay từ những năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao đất cho Ban Quản lý Dự án thoát nước Hà Nội thực hiện dự án. Trên cơ sở thực tế, năm 2001 UBND TP Hà Nội có Quyết định 7853/QĐ-UB, giao hơn 466.000m2 đất hai bên bờ sông Tô Lịch, Sông Lừ, Sông Sét đi qua các quận, huyện: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hai Bà Trưng… để thi công, xây dựng kè bờ sông, làm đường thuộc dự án thoát nước. Đến năm 2004, sau ngày thành lập, UBND quận Hoàng Mai phải tiếp nhận gần như toàn bộ dự án thoát nước từ huyện Thanh Trì để lại. Theo thống kê, hiện nay có đến 13/14 phường trên địa bàn quận có liên quan đến dự án với khoảng 4.000 phương án GPMB với tổng số tiền đền bù, hỗ trợ lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Do thời gian thực hiện dự án kéo dài, chuyển tiếp qua nhiều thời kỳ, với 6 chính sách về công tác hỗ trợ, đền bù GPMB, nhất là sự thay đổi địa giới hành chính từ xã lên phường nên vừa qua đã liên tục phát sinh những khúc mắc liên quan đến GPMB lấy đất phục vụ dự án.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, bên cạnh những thắc mắc về diện tích đất bị thu hồi hay công tác thống kê tài sản, công trình trên đất chưa được rõ ràng thì điểm chung của mọi vấn đề tại dự án này vẫn là sự chênh lệch về giá cả khi áp giá đền bù cũng như quy trình thực hiện kiểm đếm, lên phương đền bù GPMB tại hai Quyết định 108/2009/QĐ-UBND và 23/2014/QĐ-UBND. Cụ thể, theo quyết định số 108, Hội đồng đền bù GPMB sẽ phát phiếu điều tra cho các hộ gia đình có đất bị thu hồi để họ tự kê khai diện tích đất và tài sản, công trình cây cối trên đất trước khi đo vẽ tại thực địa. Còn theo quyết định 23, Hội đồng bồi thường GPMB chỉ cần thông báo cho người dân có mặt trực tiếp tại công trình để đo vẽ, đồng thời xác nhận ngay tại thực địa phần diện tích bị thu hồi. Chính do có sự khác biệt này nên đến nay nhiều hộ gia đình sống tại phường Thịnh Liệt chưa hiểu, vẫn cho rằng Hội đồng đền bù GPMB quận Hoàng Mai đã cố tình cắt bớt quy trình thực hiện công tác GPMB, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, tài chính nên nhất quyết không nhận tiền đền bù. Cũng cần phải nói thêm, điểm quan trọng nhất từ Quyết định 108 trở về trước thì những gia đình có diện tích đất bị thu hồi lớn hơn 30% thì được đền bù, tái định cư bằng đất ở nhưng đến Quyết định 23 lại có sự thay đổi: "Nếu các hộ ở khu vực các quận, chủ yếu được bồi thường bằng nhà ở (căn hộ chung cư)". Điều này khiến người dân đặt câu hỏi tại sao trong cùng một dự án lại có sự phân biệt về chính sách tái định cư?

Theo ông Nguyễn Viết Trường, Phó Ban bồi thường GPMB quận Hoàng Mai, nếu so với Quyết định 108/2009 (áp dụng cho giai đoạn I) thì người dân sẽ bị thiệt thòi. Nhưng, để bảo đảm quyền lợi cho các hộ gia đình có đất bị thu hồi, UBND quận Hoàng Mai đã đề xuất UBND thành phố cho phép áp dụng những chính sách có lợi nhất theo Điều 47 và 49 Quyết định 24/2014/QĐ-UBND. Đồng thời, phê duyệt phương án bổ sung cho 100 hộ dân trong chỉ giới GPMB được đền bù đất tự chuyển đổi mục đích theo giá đất ở cụ thể có khấu trừ nghĩa vụ tài chính căn cứ theo từng thời điểm. Bên cạnh đó, không phải nộp tiền sử dụng đất ở trong hạn mức, được tái định cư gần và được chậm trả tiền mua nhà theo quy định. Tuy nhiên, một số hộ dân có đất nông nghiệp chuyển đổi đến nay vẫn chưa đồng tình với chủ trương của UBND quận và hướng tháo gỡ của thành phố, nhất quyết kiến nghị được bồi thường GPMB ở mức cao hơn. Được biết, tính đến ngày 29-6-2015, còn 181 hộ gia đình, cá nhân tại hai phường Vĩnh Hưng và Thịnh Liệt vẫn chưa đồng ý phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt. Riêng phường Thịnh Liệt có 88 hộ, trong đó trên 30 hộ có biên bản GPMB, còn 50 hộ thắc mắc về chỉ giới.

Như vậy, có thể thấy những bất cập trong công tác GPMB phục vụ Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội tại quận Hoàng Mai đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ dân có đất bị thu hồi cũng như dự án được thực hiện đúng tiến độ, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong đền bù, giải phóng mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.