Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiếp ảnh Việt Nam: Dấn thân vì nghệ thuật và cuộc sống

Yên Nga| 06/12/2015 06:48

(HNM) - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam đã trải qua chặng đường nửa thế kỷ tập hợp lực lượng, từ những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đến tay máy nghiệp dư cùng sáng tác nghệ thuật, mang đến



Hôm nay, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, cũng là để nhìn lại bước trưởng thành trong khó khăn, thành tựu đã đạt được nhằm động viên lớp nghệ sĩ trẻ dấn thân phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á thu hút rất đông người tới thưởng thức. Ảnh: Tiến Dũng


Trưởng thành trong khó khăn

Ngày 8-12-1965, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Đại hội lần I tại Hà Nội. Ngay từ đầu, định hướng hoạt động của hội cũng như yêu cầu, định hướng sáng tác đã được xác định rõ ràng: "Nhiếp ảnh vốn dĩ là ngành nghệ thuật không cho phép hư cấu, bịa đặt, bắt buộc phải gắn với sự thật nguyên vẹn. Cái đẹp ở đây nhất thiết phải là cái đẹp của sự thật sinh động. Đó là một yêu cầu nghiêm túc nhất với nghề".

Thế nhưng, để ghi lại được vẻ đẹp của sự thật thì đòi hỏi sự lăn lộn vượt khó của bất kỳ người cầm máy nào. Để tạo nên một tổ chức đủ khả năng tập hợp được lực lượng sáng tác uy tín, tạo sức kích thích cần có cho sự phát triển của ngành nhiếp ảnh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, nhất là trong những năm đầu thời kỳ kháng chiến, là điều không dễ dàng gì. Nhớ lại quãng thời gian 1965-1975, trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hội viên thường là người của các cơ quan nhà nước (cơ quan báo chí, các ty văn hóa…), mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng đích thực. Họ làm nghề trong điều kiện trang bị rất kém, máy móc cũ kỹ nhưng luôn sẵn sàng xung trận, dấn thân vào cuộc sống sản xuất, chiến đấu ở mọi miền đất nước, ghi lại những khoảnh khắc hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc.

Nhiều bức ảnh là bằng chứng, thông tin quan trọng, góp phần động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước, tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với nhân dân thế giới, khiến họ hết lòng ủng hộ Việt Nam chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm. Đó là những tác phẩm tầm cỡ thực sự, như "Đấu súng ở căn cứ Khe Sanh", "Chống lầy" của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng; "Mười hai cô gái Đồng Lộc" của Văn Sắc; "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của Lê Minh Thường; "Uy thế không lực Huê Kỳ" của Phan Thoan; "Từ thần sấm xuống xe trâu" của Văn Bảo, "Phúc Tân kêu gọi trả thù" của Vũ Ba; "Phòng mổ dã chiến" của Võ An Khánh; "Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn" của Lâm Hồng Long… Dù trong thời kỳ khó khăn, đất nước có chiến tranh nhưng nhiều hội viên đã gửi ảnh đi dự thi quốc tế rồi đoạt giải thưởng tại Liên Xô, Hungary, Đức, Rumani, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cuba, Hà Lan, Pháp… Thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ lúc đó đã cùng lúc hoàn thành trách nhiệm "kép", góp phần tạo nên "thời hoàng kim" cho Nhiếp ảnh Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng nhiếp ảnh lại hướng ống kính vào phản ánh tình cảm đoàn viên, hăng say xây dựng đất nước, đồng thời đoàn kết xây dựng lực lượng, chia sẻ kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật, nâng cao kiến thức để sáng tác. Thời kỳ đó, các nghệ sĩ nhiếp ảnh cầm máy với tinh thần quả cảm của người dám đối mặt và vượt qua khó khăn để cống hiến cho nghệ thuật, vì cuộc sống và nhân dân. Dù máy móc, kỹ thuật lạc hậu, những thước phim đen trắng hay màu cũng trở nên hiếm hoi, phải tiết kiệm từng "mẩu nhỏ", lớp nghệ sĩ trưởng thành sau chiến tranh đã kề vai sát cánh với lớp người đi trước, góp phần tạo ra "pho sử bằng ảnh" có giá trị vượt thời gian.

Nghệ thuật nhiếp ảnh luôn cần sự sáng tạo, nhạy cảm trong từng khoảnh khắc.


Công nghệ cao không tạo ra nghệ sĩ đích thực

Ngày nay, ở thời đại mà khoa học công nghệ có sự phát triển vượt bậc, máy móc thiết bị hỗ trợ rất nhiều cho người cầm máy, cơ hội học tập, nâng cao kiến thức rộng mở, đường đến thành công của người nghệ sĩ nhiếp ảnh liệu đã hết gập ghềnh? Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh cho rằng, chỉ có máy móc hiện đại thôi thì chưa đủ. "Công nghệ và kỹ thuật cao chưa thể làm nên một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ngày nay làm ảnh đẹp, giống "người ta" thì dễ, nhưng ảnh sáng tác là phải phản ánh chân thực cuộc sống, đồng thời mang một thông điệp phục vụ đời sống. Mỗi bức ảnh đạt phải tạo sự thích thú, một cuộc đối thoại giữa tác giả với người xem về những vấn đề thiết thực" - ông nói.

Nếu như cái khó của nhiếp ảnh thời kỳ trước là kỹ thuật và kiến thức thì bây giờ, cái khó nằm ở việc hình thành ý tưởng và khả năng tiếp cận. Cuộc sống hiện đại vẫn đòi hỏi người nghệ sĩ phải dấn thân, "quăng mình" vào hiện thực để tìm ra nét đẹp cuộc sống. Không thể có những tác phẩm đủ sức thuyết phục nếu người nghệ sĩ không đến những khu công nghiệp, những hầm mỏ, công trình…, đối diện và vượt qua khó khăn để sáng tác. NSNA Lê Bích, người nổi tiếng với những bức ảnh về giếng cổ kể rằng nhiều lần anh bị từ chối, không cho chụp ảnh, nhẹ thì bị "mời" đi chỗ khác, nặng thì nghe mắng chửi. Lên miền núi để sáng tác về đề tài đồng bào dân tộc, không ít nhiếp ảnh gia phải "trả tiền mới được chụp"... Nghĩa là không gian để nghệ sĩ thâm nhập sáng tác có thể bị hạn chế và nhiếp ảnh, vốn dĩ là "ánh chớp của hiện thực" có thể không còn khách quan nữa nếu người nghệ sĩ đầu hàng thách thức, chọn cách tiếp cận dễ dãi. Trong bối cảnh đó, nhiều nghệ sĩ vẫn tỏ rõ quyết tâm dấn thân sáng tạo vì nghệ thuật và vì cuộc sống. Như Nguyễn Á đã từng lăn lộn suốt hàng chục năm qua, hết dự án này đến dự án khác, khổ công với từng đề tài, từng nhân vật, để rồi có được "Tâm và Tài", "Họ đã sống như thế", "Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam", "Đờn ca tài tử" - những bộ ảnh gây tiếng vang và có đời sống thật sự sau khi được công bố.

Sáng tác nhiếp ảnh là một hoạt động nghệ thuật đòi hỏi sự tự định hướng và thực hiện của mỗi nghệ sĩ. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có vai trò như một "bà đỡ", có khả năng kết nối, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ hành nghề, để nghệ thuật nhiếp ảnh được triển khai, đến với cuộc sống, làm lợi cho cuộc sống. Với liên hoan ảnh nghệ thuật 8 khu vực trên toàn quốc được tổ chức hằng năm, triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc được tổ chức 2 năm/lần, cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế mang thương hiệu Việt Nam (2 năm/lần)..., Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, vị thế, tạo ra sức cổ vũ cần có để thúc đẩy sự sáng tạo của các hội viên. Tuy thế, bước vào chặng đường mới của nhiếp ảnh trong thời kỳ hội nhập, vai trò này cần được tăng cường hơn và thiết thực hơn. "Hội phải tập hợp những người xuất sắc về nghề để có thể tư vấn sáng tác cho hội viên, nhìn ra tố chất, khả năng của từng nghệ sĩ để hướng cho họ phát huy" - ông Vũ Quốc Khánh nhận định.

Mỗi thời điểm, thách thức đặt ra với người nghệ sĩ chân chính có sự khác nhau, đường đi tới thành công không bao giờ dễ dàng. Với nhiếp ảnh, cơ hội vẫn sẽ đến với những nghệ sĩ dám dấn thân, luôn xác định mục tiêu vì nghệ thuật và vì cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiếp ảnh Việt Nam: Dấn thân vì nghệ thuật và cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.