Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiếp ảnh gia Bùi Hồng Thắng:"Khó nhất là chọn góc chụp"

Yên Nga| 07/07/2012 07:17

(HNM) - Bùi Hồng Thắng là một trong số ít người theo đuổi thể loại ảnh toàn cảnh 360 độ (360º panorama) ở Việt Nam. Với triển lãm đầu tiên


Một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Bùi Hồng Thắng chụp tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

- Người xem thường biết ảnh toàn cảnh là nối những bức ảnh bình thường lại với nhau tạo thành bức ảnh có góc nhìn rộng hơn. Vậy ảnh 360º panorama có gì khác, thưa anh?

- Cơ bản thì có ba loại ảnh toàn cảnh. Loại đầu tiên như chúng ta thường biết được gọi là ảnh toàn ảnh một phần (partial panorama). Loại thứ hai là ảnh toàn cảnh hình trụ (cylindrical panorama) thể hiện toàn bộ cảnh quan xung quanh người chụp nhưng không cung cấp góc nhìn lên trên và xuống dưới. Khác biệt với ảnh toàn cảnh một phần là bức ảnh đầu tiên và bức ảnh cuối cùng trong loạt ảnh phải khít với nhau. Hoàn thiện hơn cả là loại ảnh 360 độ hình cầu (spherical panorama), chúng cung cấp góc nhìn 360 độ toàn cảnh, người xem có thể nhìn lên trên và xuống dưới. Tôi đang theo đuổi loại thứ nhất và ba.

- Điều gì hấp dẫn anh theo đuổi nhiếp ảnh và thể loại ảnh này?

- Tôi yêu thích nhiếp ảnh. Tôi chụp ảnh partial panorama đến 7-8 năm. Năm 2009, tôi được anh trai giới thiệu trang web (360cities. net) chuyên về ảnh toàn cảnh 360º lớn nhất thế giới có ảnh ở 92 nước. Tôi xem và bị hấp dẫn ngay. Thật kỳ diệu khi được thấy những bức ảnh được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên trên thế giới giới thiệu trên trang web đó. Họ thực hiện các bức ảnh ở trên mặt đất, dưới nước, trên không trung… Chúng cho mình một cảm giác mới lạ, sống động. Thế là tôi nghiên cứu, tìm hiểu và mày mò thực hiện. Chủ yếu tự học và tham khảo trên mạng.

- Ảnh 360º panorama chắc không đơn giản là đặt máy ở giữa và quay một vòng chụp phải không anh?

- Vâng. Nếu chụp ảnh theo phương pháp truyền thống, ta có thể di chuyển vị trí chụp ảnh, che chắn hoặc cắt cúp tùy ý. Nhưng với ảnh 360º panorama thì phải thể hiện được tất cả. Và thể loại này cơ bản vẫn phải tuân theo những nguyên tắc của nhiếp ảnh, như quy luật xa gần, chủ đề, bố cục... Đối với tôi, càng chụp, càng tìm hiểu tôi càng thấy khó. Để tìm ra một vị trí, góc chụp khó hơn nhiều so với những thao tác kỹ thuật. Bởi quan trọng là bức ảnh đấy thể hiện điều gì.

- Hẳn là anh đã đi nhiều nơi để thực hiện bộ ảnh cho triển lãm đầu tiên này?

- Tôi đã đi được 16 tỉnh, thành và gần 60 địa danh, chụp khoảng hơn 400 bức. Triển lãm trưng bày 87 bức 360º panorama và 36 bức ảnh partial panorama về phong cảnh, sinh hoạt, lao động của người Việt. Tháng 5-2012, tôi có may mắn được chụp ảnh 360º tại một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Quả thật, quê hương mình rất đẹp.

Hy vọng những bức ảnh 360º panorama của tôi sẽ kích thích, lôi kéo người xem đến tận nơi để chứng kiến và cảm nhận.

- Theo đuổi đam mê này chắc khá tốn kém?

- Tốn nhất là thời gian. Cũng may tôi là người làm việc tự do, lại yêu thiên nhiên nên luôn sẵn sàng đi xa để chụp. Để chụp ảnh 360º panorama thì thiết bị tốt rất quan trọng, nó sẽ giúp mình không mất nhiều thời gian xử lý.

- Có rất nhiều bức ảnh được anh chụp với góc nhìn từ trên cao xuống trông rất nguy hiểm?

- Đúng là để thực hiện được những bức ảnh đó khá nguy hiểm. Nhiều lúc tôi cũng phải tự kiềm chế mình để không bị cuốn vào đam mê quá đà. Có lần đang leo lên mái nhà của người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) để tìm góc chụp, tôi đã bị thụt xuống bếp của họ, trầy xước hết cả. Bây giờ, khi xem lại bức ảnh chụp Hà Nội từ nóc Nhà hát Lớn, tôi vẫn thấy sợ, thật quá mạo hiểm.

- Là một trong số ít người theo đuổi thể loại ảnh này ở Việt Nam, anh đã cảm thấy mình chạm đến đích chưa?

- Tất nhiên là chưa. Tôi không quan trọng mình là người hay nhất, giỏi nhất. Với tôi, niềm vui nằm ở trên đường mình đi chứ không phải cuối con đường. Những bức ảnh đã nuôi dưỡng cảm xúc để tôi tiếp tục lên đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiếp ảnh gia Bùi Hồng Thắng:"Khó nhất là chọn góc chụp"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.