(HNM) - Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới… Thành phố cũng tập trung duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn; đồng thời hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 14 xã chưa “về đích”.
Đây là những nhiệm vụ quan trọng và cùng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực nông thôn.
Khoan nói về việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu mang đặc trưng của đất “văn hiến”, đất “trăm nghề”, việc hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới có thể nói thật sự là một thách thức. Bởi thực tế cho thấy, số xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới của Hà Nội không nhiều (14/382 xã) nhưng đây đều là những xã khó khăn của hai huyện chưa hội tụ được nhiều nguồn lực phát triển - Ba Vì, Mỹ Đức. Các tiêu chí chưa đạt được của các xã này (9 xã ở Ba Vì, 5 xã ở Mỹ Đức) phần nhiều liên quan đến cơ sở hạ tầng. Có xã 100% trường học chưa đạt chuẩn vì địa bàn rộng, cơ sở vật chất phân tán…
Mặt khác, việc duy trì, giữ vững những tiêu chí nông thôn mới đã đạt cũng là cả vấn đề đối với nhiều địa phương, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực nội tại chưa đủ mạnh, kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Bởi lẽ, với các tiêu chí “tĩnh” như giao thông, thủy lợi, trường học.., theo thời gian và quá trình sử dụng sẽ xuống cấp nên cần có thêm nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Còn với các tiêu chí “động” như tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự, môi trường… lại phụ thuộc không ít vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân, nếu không có giải pháp sát với thực tế thì khó duy trì, phát triển bền vững.
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 14 xã chưa “về đích”; đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết với 14 xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thành phố đã yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các xã tập trung hoàn thành các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình thành phố thẩm định, công nhận trước ngày 30-9-2021. Cùng với nguồn vốn đầu tư của thành phố, sự hỗ trợ của các quận, các địa phương cần chủ động trong việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Và quan trọng hơn là hệ thống chính trị của địa phương cần khẩn trương vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực triển khai nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu của năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất với chất lượng cao nhất.
Với việc duy trì nâng cao chất lượng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn, các địa phương cần đánh giá thực chất những tồn tại, hạn chế để có giải pháp sát thực tế; đồng thời hình thành tư duy dài hạn, hướng đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân - chủ thể của nông thôn mới - chung sức, tham gia cùng chính quyền thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về bảo vệ an ninh trật tự, chỉnh trang không gian văn hóa làng quê, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch…
Hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và giữ vững, nâng cao những tiêu chí nông thôn mới đã đạt được tại các địa phương là nhiệm vụ quan trọng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn Thủ đô. Đây cũng là giải pháp góp phần đổi mới mạnh mẽ, cơ bản, toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.