Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ cần được ưu tiên

Dục Tú| 26/10/2015 05:45

(HNM) - Cuối tuần, có tin bé trai 8 tuổi ở Lâm Đồng bị dập nát bàn tay vì cục sạc đèn pin phát nổ. Cuối bản tin ngắn là câu "chưa rõ cục sạc đèn pin này do nước nào sản xuất, đã sử dụng được bao nhiêu lâu".

Hậu quả đáng tiếc đã xảy ra với cháu bé và gia đình, tuy chưa đến nỗi mất mạng nhưng để lại một cảm giác băn khoăn về sự an toàn của con người trước những thứ mà chúng ta sử dụng hằng ngày. Cảm giác đó tăng lên khi mới vài ngày trước, đã có tin về "giọt tinh chất thành cà phê" và trưa qua, 25-10, truyền hình đưa tin (không phải là nhanh) về khả năng hạt trân châu trong trà sữa ở Trung Quốc được tạo từ… dép lốp.

Sản phẩm độc hại, hàng hóa không rõ nguồn gốc đang làm khổ người tiêu dùng, tồn tại trong một thứ ma trận được tạo bởi những đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà người dân, dù rất sợ nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức và điều kiện để tránh xa chúng. Hoa quả gây nỗi lo về chất bảo quản, ly cà phê giá rẻ được bán rong ngoài hè phố bị đặt dấu hỏi về việc có hay không "tinh chất" trong đó, bát phở "nước hai" liệu có chất tạo ngọt hay không… Khi những thông tin dạng này được đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sức ảnh hưởng đối với người tiêu dùng rõ ràng là rất mạnh, gây hoang mang, đòi hỏi phải có sự giải thích rõ ràng của cơ quan có thẩm quyền. Thông tin từ các chuyên gia về an toàn thực phẩm hay nhà quản lý có thể giúp người tiêu dùng hoặc là không sử dụng sản phẩm đó nữa, hoặc là yên tâm sử dụng chúng mà không phải lo ngại hậu quả xấu xảy ra; hoặc giả là đánh động về ý thức trách nhiệm của những lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý thị trường, cấp phép kinh doanh, quản lý địa bàn.

Chúng ta đang ở trong tình huống khó khăn liên quan đến việc kiểm soát thị trường hàng hóa tiêu dùng. Nạn buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng là khởi nguồn của tình huống đó và những hạn chế trong công tác phòng chống vấn nạn này góp phần làm cho sự thể phức tạp hơn. Sự hạn chế đó không chỉ làm nảy sinh tâm lý tiêu dùng bất an, ảnh hưởng đến sức khỏe và túi tiền của các gia đình, nhất là những hộ nghèo, mà còn gây hại cho sản xuất - tiêu dùng trong nước. Có hãng cà phê danh tiếng nào không điêu đứng khi xuất hiện đối thủ vô hình sản xuất ra loại chất mà chỉ cần một giọt đã đủ tạo một ly cà phê giá rẻ? Có cửa hàng trà sữa trân châu luôn pha chế đàng hoàng nào mà không đối diện với cảnh mất khách sau khi thông tin hạt trân châu được tạo từ dép cao su được đưa ra?

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây quan ngại rộng rãi, để lại hậu quả to lớn cho người tiêu dùng và sản xuất trong nước, cho thấy cần phải có quyết tâm và giải pháp nhằm loại bỏ tận gốc nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này, coi đó là nhiệm vụ lớn cần được ưu tiên. Giải pháp đó liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị, chính quyền địa phương, do cơ quan chức năng đề ra, nhưng chắc chắn có yếu tố phân công, phân nhiệm rõ ràng, bao hàm sự minh bạch về trách nhiệm thuộc về ai khi hậu quả xấu xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ cần được ưu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.