(HNM) - Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hiện nay ở nước ta nói riêng, thế giới nói chung vẫn chưa giảm với tỷ lệ nhiễm từ 3,5 đến 10% số người nhập viện. Làm sao hạn chế được NKBV để bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cho cộng đồng vẫn đang là một thách thức lớn đối với các bệnh viện.
Gánh nặng nhiễm khuẩn
NKBV theo Bộ Y tế đó là nhiễm trùng người bệnh mắc phải trong thời gian nằm viện mà nhiễm trùng đó không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. NKBV thường do vi khuẩn gây nên và thường xuất hiện sau 48 giờ nhập viện.
Cán bộ, nhân viên ngành y tế luôn có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Ảnh: Thái Hiền |
Tỷ lệ NKBV là một trong những chỉ số rất quan trọng, phản ánh chất lượng chuyên môn của một bệnh viện, liên quan đến sự an toàn của cả người bệnh và nhân viên y tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra con số thống kê, tỷ lệ NKBV chung trên thế giới từ 3,5-10% tổng số người bệnh nhập viện và ở bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bị mắc NKBV.
Ở nước ta chưa có cuộc điều tra nào trên quy mô toàn quốc, nhưng kết quả điều tra theo vùng, cụm bệnh viện mới đây thì tỷ lệ này là 5,5-8%. Riêng tại Hà Nội, qua điều tra, giám sát tại 34 bệnh viện trong năm 2009, tỷ lệ này là 2,9%. Hậu quả tất yếu NKBV đem đến không chỉ cho người bệnh mà cả nhân viên y tế là rất nặng nề. Các nhà nghiên cứu y tế đưa ra 5 hậu quả đối với bệnh nhân: tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, ngày điều trị, chi phí điều trị và tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật. Còn với nhân viên y tế, nguy cơ bị phơi nhiễm sau thương tổn do kim tiêm nhiễm khuẩn xuyên qua da từ một bệnh nhân nguồn dương tính là viêm gan C 10%, viêm gan B 22-40%, HIV 0,03%...
Chưa khắc phục được
Các nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ NKBV, theo các báo cáo của Việt Nam đưa ra tại hội nghị thường niên về "Dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn" Hoa Kỳ mới đây, là do môi trường bệnh viện chứa đựng nhiều tác nhân gây bệnh, do thực hiện nhiều thủ thuật xâm lấn, do dụng cụ y tế, do nhân viên y tế và các yếu tố thuộc về người bệnh. Trong đó, dụng cụ y tế trước, sau khi sử dụng và bàn tay của nhân viên y tế được xem là những nguyên nhân quan trọng nhất. Nguyên nhân đã rõ, mặc dù vậy, kết quả khảo sát tại 29 khoa lâm sàng thuộc khối ngoại, sản, cấp cứu của 9 bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh của khu vực phía bắc cho thấy, mới có 2,3% số bệnh viện có lavabo đủ phương tiện vệ sinh bàn tay; hơn 58% nhân viên y tế không trả lời đúng các câu hỏi về vệ sinh bàn tay. Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế hiện nay ở nước ta cũng còn rất thấp. Điển hình tại BV Bạch Mai và một số bệnh viện khu vực phía bắc, chỉ có 2,6% nhân viên y tế vệ sinh bàn tay trước khi thăm khám cho bệnh nhân, 4,2% vệ sinh bàn tay trước khi chuyển từ thao tác bẩn sang thao tác sạch trên cùng bệnh nhân.
Ngăn chặn phải từ ý thức
Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, hơn 1/3 số trường hợp nhiễm trùng mắc phải ở bệnh viện có thể tránh được nếu như tuân thủ nghiêm các biện pháp thực hành chống nhiễm khuẩn đơn giản là phòng ngừa phổ cập. Phòng ngừa phổ cập ở đây được hiểu là các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV, HBV, HCV và những tác nhân gây bệnh theo đường máu khác trong bệnh viện như rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường quy, thực hiện tiêm an toàn, xử lý khử khuẩn dụng cụ y tế, vệ sinh môi trường bệnh viện, xử lý chất thải y tế mà đặc biệt là vật sắc nhọn...
Thực tế cho thấy, qua hoạt động chỉ đạo thực hiện điểm về chống NKBV của ngành y tế Hà Nội tại một số bệnh viện, tỷ lệ bác sỹ tuân thủ vệ sinh bàn tay đã tăng lên đáng kể, từ đó giảm rõ rệt tỷ lệ NKBV. Đơn cử tại BV Hà Đông, tỷ lệ NKBV giảm từ 14,8% (trước can thiệp) xuống còn 1,28% sau can thiệp; BV Đan Phượng, giảm từ 2,3% (trước can thiệp) xuống còn 0% sau can thiệp.
NKBV đem lại hậu quả rất lớn nên trách nhiệm phòng, chống không chỉ của riêng bệnh nhân, nhân viên y tế mà còn là của cả xã hội, trong đó có ý thức thực hiện và việc đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất cho đơn vị y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.