Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạy bén, chủ động nắm bắt dư luận và tuyên truyền

Quốc Bình| 24/07/2014 06:04

(HNM) - Nắm bắt kịp thời dư luận xã hội, triển khai công tác thông tin, định hướng tuyên truyền đúng lúc là những đòi hỏi đặt ra đối với các cấp ủy Đảng.

Trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, nhất là những bài học rút ra từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam càng cho thấy sự cần thiết phải nâng cao khả năng phản ứng trước tình huống mới phát sinh của cán bộ cấp ủy, đặc biệt là ở tuyến cơ sở.

Bài học còn mới

Trong gần hai tháng qua, Hà Nội đã "ra quân" tổng lực trên mặt trận thông tin, tuyên truyền để vừa phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành 7 công văn chỉ đạo tuyên truyền về Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan và công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ban cũng đã phối hợp tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền tới cán bộ chủ chốt, báo cáo viên, văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên báo chí thành phố; duyệt kế hoạch, thẩm định các nội dung tọa đàm "Văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô với chủ quyền biển, đảo" và ra tuyên bố của Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội... Đồng thời, 2 vạn cuốn tài liệu tuyên truyền "Thủ đô Hà Nội với biển đảo quê hương" do Ban biên soạn và xuất bản đúng lúc, kịp thời định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô; nhất là thông tin về biện pháp xử lý, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về hành vi của Trung Quốc. Ban cũng tham gia kiện toàn Tổ công tác xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo Ban và Tổ công tác đã duy trì 100% quân số trực từ ngày 11-5 đến nay. Đặc biệt là chỉ đến 12h ngày 17-5-2014, 100% các chi bộ, đảng bộ cơ sở, công đoàn, đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị xã hội ở quận, huyện, thị ủy, Đảng bộ khối, trực thuộc đã triển khai các nội dung thông tin, tuyên truyền về hành vi của Trung Quốc và chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước. Tỷ lệ đảng viên được thông tin, tuyên truyền về vấn đề trên đạt trên 98%.

Những việc làm trên đây đã trực tiếp góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các khu cụm công nghiệp, khu chế xuất. Một trong những bài học giá trị nhất mà Thành ủy Hà Nội thu được từ việc trên là tính nhạy bén và sự chủ động trước tình huống mới phát sinh. Nhạy bén ở đây là kịp thời nhận ra tính chất nghiêm trọng từ những vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh; từ đó chủ động vận dụng tất cả chức năng, thẩm quyền để huy động các lực lượng tham gia, triển khai tất cả các giải pháp để đạt mục tiêu. Tính nhạy bén và sự chủ động có ý nghĩa quyết định hiệu quả ứng phó trong tình huống mới phát sinh.

Phản ứng chậm, hậu quả khó lường

Từ bài học kinh nghiệm này, soi lại những việc khác đã xảy ra trên địa bàn thành phố trong thời gian qua mới thấy sự cần thiết phải nâng cao tính nhạy bén, sự chủ động của cán bộ cấp ủy, nhất là ở tuyến cơ sở. Có thể kể đến những vụ việc người dân phản ứng tiêu cực, không đồng tình thực hiện dồn điền, đổi thửa ở Xuân Dương, Cao Viên (huyện Thanh Oai); Hòa Bình (huyện Thường Tín); Tốt Động, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ); Vạn Thái (huyện Ứng Hòa). Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới của Thành ủy Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của những trường hợp này là cấp ủy chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Thực tế tại những nơi này, cán bộ cấp ủy phản ứng chậm trước thông tin từ cơ sở. Không chủ động dự báo tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận nhân dân. Khi xảy ra phản ứng tiêu cực của người dân, không chủ động tìm biện pháp tháo gỡ, thường phụ thuộc vào cấp trên, làm việc gì cũng phải xin ý kiến, đợi chỉ đạo mới dám làm. Đó là chưa kể hàng loạt những vụ việc khiếu kiện đông người liên quan đến quá trình cải tạo, xây dựng mới chợ dân sinh, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng...

Trong cuộc nói chuyện với các đại biểu ngành tuyên giáo cả nước mới đây, một đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ phê phán một hiện tượng có tính chất điển hình về sự thiếu chủ động, kém nhạy bén của cán bộ cấp ủy, cán bộ tuyên giáo địa phương. Đó là văn bản hướng dẫn tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TƯ cung cấp rất đầy đủ, kịp thời cho các cấp ủy địa phương; thế nhưng, thay vì vận dụng sáng tạo, tuyên truyền, một số cán bộ cấp ủy, cán bộ tuyên giáo địa phương lại "cất vào ngăn kéo". Đồng chí lãnh đạo so sánh: "Ngày xưa đánh Pháp, đánh Mỹ, chỉ đạo nào của TƯ chuyển xuống cũng được cán bộ cấp ủy, cán bộ tuyên giáo cơ sở sáng tạo tuyên truyền đến từng người dân. Sự chủ động, sáng tạo ấy đã làm nên chiến thắng. Nay trong thời đại công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật đa dạng, nhưng cán bộ làm tuyên truyền lại không chủ động, nhạy bén bằng". Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo TƯ, những vụ mất trật tự xảy ra ở các tỉnh phía Nam có nguyên nhân không nhỏ là sự phản ứng không kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác nắm tình hình và tổ chức vận động, tuyên truyền.

Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy Đảng về công tác thông tin, tuyên truyền sẽ ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, việc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp... Đây là lúc cùng nhìn lại để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhất là tính nhạy bén, sự chủ động ứng phó trước những tình huống mới phát sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạy bén, chủ động nắm bắt dư luận và tuyên truyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.