Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật ký trở về từ bên kia chiến tuyến

Việt Nhật| 15/08/2020 14:27

(HNMCT) - Đong đầy cảm xúc, khát vọng hòa bình cho đất nước, quê hương, từng trang nhật ký chiến trường thấm nỗi niềm riêng và cũng tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng của các chiến sĩ Việt Nam như ngọn lửa làm tan băng, thức tỉnh những người bên kia chiến tuyến. Từ đó, nhiều cuốn nhật ký đã được trở lại với tác giả, gia đình và quê hương Việt Nam.

Tiến sĩ Bod Hall, nhóm Dự án “Những linh hồn phiêu bạt - Trở lại quê hương” trao lại kỷ vật của nữ quân y Hồng Thắm cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn nhật ký đầu tiên được trở về đất Việt sau hơn 30 năm “sống” trên đất Mỹ. Tháng 6-1970, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi, sau một trận càn quét, người lính Mỹ Frederic Whitehurst đã thu được cuốn sổ tay được bọc bằng vải của nữ chiến sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đã định quẳng cuốn sổ vào lửa, nhưng lời khuyên của người thông dịch: “Đừng đốt! Bản thân nó đã có lửa rồi!” đã khiến người lính Mỹ dừng lại, để rồi sau đó “ngọn lửa” nhật ký ấy thôi thúc anh cùng người anh trai của mình - Robert Whitehurst, cũng là một cựu binh - trở lại Việt Nam bắt đầu hành trình “Đi tìm Thùy”.

Ngay sau khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở về Việt Nam và được xuất bản, cuốn sách đã trở thành hiện tượng xuất bản. Không giàu chất văn chương như cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc nhưng tâm tư, nỗi trăn trở của người con gái Hà Nội, một trí thức trẻ giữa chiến trường ác liệt, khiến bạn đọc phải cảm phục. Từ những dòng nhật ký viết cho riêng mình, sau này Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở thành cuốn sách được hàng triệu độc giả tìm đọc. Không chỉ xuất bản tại Việt Nam, Nhật ký Đặng Thùy Trâm còn được dịch sang nhiều thứ tiếng như Anh, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Romania...

Cựu chiến binh Mỹ Frederic Whitehurst không chỉ đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở về đất Việt. Trong hành trang sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam của ông còn có hai cuộn phim của nhà nhiếp ảnh - liệt sĩ Nguyễn Văn Giá. 50 bức ảnh được in ra từ cuộn phim này là 50 chân dung được chụp thật dung dị, có hồn, khắc họa rõ nét những gương mặt chiến tranh, sau đó đã được cựu binh Mỹ tìm đến gửi cho gia đình chủ nhân của nó, và đã được tập hợp xuất bản thành cuốn sách Những tấm ảnh trở về.

Nhiều năm trở lại đây, một số cuốn nhật ký chiến trường được những người bên kia chiến tuyến lưu giữ đã trở về đất mẹ bằng con đường ngoại giao. Như cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, từng là chiến lợi phẩm của một người lính Mỹ. Sau hơn 40 năm lưu lạc, cuốn nhật ký đó đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao lại cho Việt Nam với mong muốn hàn gắn vết thương quá khứ, hướng đến tương lai.

Trong nhật ký của chàng trai 20 tuổi Nguyễn Văn Nam không chỉ có khói lửa đạn bom mà còn có những vần thơ lãng mạn: “Trăng khuyết rồi trăng lại tròn/ Quay đi quay lại anh còn yêu em/ Xa em anh chẳng có quên/ Xa em anh lại có trăng bên rồi”. Chính nhờ cái tên của người con gái được nhắc nhiều lần trong những trang viết của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam cùng những dòng chữ thấm đẫm tình yêu mà cuốn nhật ký đã dễ dàng hơn khi tìm về với gia đình, người thân của liệt sĩ.

Bên cạnh con đường ngoại giao, nhiều kỷ vật chiến tranh được trao trả thông qua các dự án. Năm 1969, sau một trận càn, quân nhân Quân đội Hoàng gia Australia David Keay đã nhặt được những cuốn sổ ghi chép của nữ quân y Hồng Thắm, quê ở huyện Châu Đức (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Những cuốn sổ đó, ngoài ghi chép về quá trình công tác, các bài học về y khoa còn ghi các bài hát, bài thơ, những dòng lưu bút của đồng đội. Sau 45 năm được lưu giữ tại Australia, những trang viết của nữ quân y Hồng Thắm đã được nhóm cựu binh Australia thuộc Dự án Những linh hồn phiêu bạt - Trở lại quê hương trao trả cho gia đình tác giả.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, “nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, không ít nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: Phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi tôi nghĩ, trước sự sống còn của một cá nhân và sự sống còn của một dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đó được chứng minh rõ ràng nhất và bền vững nhất”. 

Phải chăng, điều này cũng giải thích về sức lay động, cảm hóa, dẫn dắt trong những trang nhật ký, ghi chép của chiến sĩ Việt Nam với các cựu chiến binh bên kia chiến tuyến. Một sức cảm hóa xuyên biên giới, càng khẳng định thêm giá trị của nhật ký, hồi ký chiến tranh cách mạng mà lịch sử đã tạo nên và chúng ta còn giữ được đến hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật ký trở về từ bên kia chiến tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.