Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhất - Chất và lượng?

Tú Khôi| 18/11/2012 06:01

(HNM) - Thế là Việt Nam đã vượt Brazil, trở thành nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước đứng đầu về sản lượng hồ tiêu. Từ nhiều năm nay, Việt Nam thuộc top 10 thế giới về sản lượng và xuất khẩu một số loại nông sản như gạo, chè, cao su, tôm, cá da trơn. Việt Nam cũng ở trong nhóm hàng đầu xuất khẩu hàng dệt may, giày dép…

Đó là những thành tựu vượt bậc của đổi mới, hội nhập. Đó cũng là những tiền đề khẳng định tiềm năng tài nguyên, sức mạnh trí tuệ con người Việt Nam. Đó cũng là nền tảng vật chất để củng cố, mở rộng và phát triển nền kinh tế của đất nước trong quá trình xây dựng và hội nhập. Nhưng những thành tựu đó càng ấn tượng về số lượng thì càng đáng để các nhà quản lý, hoạch định chính sách; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất suy ngẫm về mặt chất lượng của nó.

Cà phê, hồ tiêu của ta dẫn đầu về sản lượng nhưng lại đứng ở hàng cuối về chất lượng. Giá gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế thấp hơn nhiều so với gạo Thái Lan. Giá cao su cũng vậy, thấp hơn nhiều so với của Malaysia… Giá bán thấp, thị trường hàng xuất khẩu của ta không ổn định, phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian, do chất lượng không bảo đảm. Các vùng sản xuất không được quy hoạch nghiêm túc để có vùng nguyên liệu lớn; giống và quy trình sản xuất không dựa trên những yêu cầu khoa học nghiêm ngặt; việc thu mua không được lập kế hoạch thống nhất, đồng bộ mà chủ yếu thu gom, phân tán, tư tưởng chụp giật do không có hợp đồng pháp lý chặt chẽ giữa người sản xuất và thu mua; các cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhỏ lẻ và thiếu thiết bị, công nghệ cần thiết nên chúng ta chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô…

Dù là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn với những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu lớn trên thế giới nhưng người tiêu dùng còn chưa biết tới cà phê, chè, hồ tiêu, cá da trơn, tôm đông lạnh… của Việt Nam. Không chỉ vì chúng ta không có thương hiệu; vì chúng ta xuất khẩu thông qua trung gian, mà chính vì chúng ta chỉ xuất nguyên liệu thô và chúng được chế biến lại, đóng hộp, gắn nhãn mác nước ngoài và bày bán ở siêu thị dưới những thương hiệu khác! Hàng dệt may, giày dép… chúng ta bị phụ thuộc vì gia công cho các hãng nước ngoài, nhưng còn nông sản, đã bao nhiêu năm rồi mà vẫn bị động hoàn toàn, không có "danh phận" thì rõ ràng đây là lỗi của các nhà hoạch định, nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ…

Sản xuất, làm kinh tế mà chỉ quan tâm tới khối lượng, bỏ qua chất lượng thì thua thiệt là không tránh khỏi. Công sức bỏ ra lớn nhưng hiệu quả thấp.

Chúng ta rất cố gắng để đạt nhất - nhà máy thủy điện lớn nhất; cầu dây văng lớn nhất; hầm qua sông dài nhất; nhà máy điện gió lớn nhất… Đó là những thành tựu đáng tự hào, tuy vậy "nhất" cũng có giá của nó. Đó là tiền của, công sức bỏ ra và hiệu quả mang lại có nhất không? Trong kinh tế quyết định nhất là chất lượng chứ không phải số lượng!

Đó chính là vấn đề cần được quan tâm "nhất", giải quyết nghiêm túc nhất hiện nay. Để hàng Việt Nam "lượng" tương xứng nhất với "chất".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhất - Chất và lượng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.