Kyodo ngày 2-3 cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu xem xét việc tuyên bố chấm dứt giảm phát, khoảng hai thập niên sau khi nước này thừa nhận rằng giá cả đang giảm vừa phải.
Mặc dù Nhật Bản vẫn khẳng định “không ở trong tình trạng giảm phát”, nhưng đợt lạm phát gần đây, chủ yếu do chi phí nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng lương bền vững được coi là dọn đường cho Nhật Bản chấm dứt cuộc chiến chống giảm phát.
Các nguồn tin cho biết, Chính phủ sẽ xem xét cẩn thận kết quả của các cuộc đàm phán về tiền lương quản lý lao động vào mùa xuân này và triển vọng lạm phát để xác định liệu các điều kiện có phù hợp để Nhật Bản tuyên bố chấm dứt hoàn toàn tình trạng giảm phát hay không.
Nhật Bản đã mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn khi giá cả giảm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và cản trở tăng trưởng tiền lương. Tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm phần lớn trong nền kinh tế, sau đó đã bị đình trệ.
Một thông báo chính thức, mặc dù mang tính biểu tượng, nhưng cũng đồng nghĩa một trong những nút thắt tăng trưởng lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản đã được gỡ bỏ.
Các quan chức chính phủ cho biết, mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào hoạt động của nền kinh tế, đồng thời thừa nhận, việc đó cuối cùng sẽ tùy thuộc vào Thủ tướng Fumio Kishida.
Các bước nới lỏng tiền tệ chưa từng có của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được thực hiện trong thập kỷ qua nhằm mục đích đưa Tokyo thoát khỏi tình trạng giảm phát, phù hợp với thỏa thuận chung năm 2013 với chính phủ, trong đó có cam kết hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản vẫn thận trọng về việc tuyên bố chấm dứt giảm phát, vì vẫn còn sự không chắc chắn về triển vọng giá cả và nền kinh tế nói chung khi Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái kỹ thuật vào cuối năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.