Như Báo Hànộimới đã đưa tin, sau nhiều tháng tranh cãi, Nhật Bản đã khởi động việc xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý và pha loãng từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Động thái đang gây ra vô số tranh cãi trái chiều này khiến giới quan sát lo ngại về những rủi ro mà đảo quốc Mặt trời mọc có thể phải gánh chịu.
Nhật Bản đã ấp ủ kế hoạch xả nước thải từ Fukushima suốt nhiều năm trong bối cảnh Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần (tháng 3-2011), đối mặt tình trạng quá tải của hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Từ năm 2019, Tokyo đã cảnh báo sắp hết chỗ trữ nước, và bắt đầu lên kế hoạch xả thải vào năm 2021. Nhằm tái khẳng định tính an toàn, TEPCO vào thời điểm bắt đầu xả thải, từ 13h03 ngày 24-8 (giờ địa phương), đã công bố thông tin cụ thể hơn.
Theo đó, đợt xả thải đầu tiên sẽ kéo dài 17 ngày, với công suất xả khoảng nửa triệu lít nước thải/ngày. Đây là một trong bốn đợt xả đầu tiên từ nay tới tháng 3-2024, dự kiến đưa ra biển 31.200m3 nước.
Nước từ các bể trữ được lọc thông qua Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), giúp giảm hầu hết các chất phóng xạ đạt đến tiêu chuẩn an toàn có thể chấp nhận được, ngoại trừ tritium và carbon-14.
Các dạng phóng xạ rất khó tách khỏi nước của hydro và carbon này cũng là lý do khiến nước sau khi lọc lần đầu còn phải trải qua một quá trình xử lý khác, trước khi được pha loãng với nước biển và xả ra Thái Bình Dương qua đường ngầm.
Toàn bộ quá trình được giám sát bởi các bên thứ ba, trong đó có Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), suốt thời gian thực hiện xả thải dự kiến kéo dài 40 năm.
Chính phủ Nhật Bản tự tin, nồng độ tritium cuối cùng an toàn hơn nhiều so với mức mà các cơ quan quản lý yêu cầu đối với việc xả chất thải hạt nhân hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo đối với nước uống (chỉ 190 becquerels so với 10.000 becquerels mỗi lít). Nồng độ đồng vị hydro trong nước thải cũng được xử lý kỹ càng hơn so với nước thải từ các nhà máy hạt nhân đang hoạt động.
IAEA từng xác nhận nồng độ tritium trong nước thải của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép, trong khi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phóng xạ Australia Tony Hooker cũng khẳng định động thái này là “an toàn”.
Dù vậy, bất chấp mọi giải thích, toàn bộ kế hoạch xả thải ngay từ khi còn là ý tưởng trên giấy đã vấp phải làn sóng chỉ trích và ngày càng nhiều phản ứng quyết liệt hơn sau khi chính thức bắt đầu.
Là một trong những quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu tất cả mặt hàng thủy sản từ Nhật Bản, viện dẫn lo ngại nguy cơ ô nhiễm phóng xạ và sự lo ngại của người tiêu dùng.
Hàn Quốc cũng chính thức cấm nhập khẩu cá và thực phẩm từ Fukushima. Hãng tin Reuters cho biết, ít nhất 14 người đã bị bắt giữ tại Seoul sau khi họ xâm nhập vào Đại sứ quán Nhật Bản để treo biểu ngữ lên án việc xả nước.
Theo giới quan sát, sự lo lắng cao độ từ phía người dân và chính phủ các nước trong khu vực khiến việc xả thải dường như đã kích hoạt “bom nổ chậm”. Bởi lẽ, bất kỳ rủi ro phát sinh nào cũng có thể trở thành thảm họa, ít nhất là về truyền thông.
Dĩ nhiên, Nhật Bản không chủ quan. Chỉ vài giờ sau khi quá trình xả thải bắt đầu, các chuyên gia nước này đã tiến hành thu mẫu nước biển từ 10 điểm khác nhau trong phạm vi bán kính 3km tính từ Nhà máy Fukushima số 1. Sau khi phân tích kỹ các mẫu nước biển, nhóm chuyên gia kết luận không phát hiện tritium.
Theo lộ trình, TEPCO sẽ duy trì việc lấy mẫu và phân tích nước biển hằng ngày trong vòng 1 tháng, đồng thời bảo đảm công khai minh bạch các kết quả phân tích. Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đã triển khai 4 con tàu tới 11 địa điểm trong phạm vi bán kính 50km từ Nhà máy Fukushima số 1 để lấy mẫu nước biển phân tích, dự kiến công bố kết quả sớm nhất vào ngày 27-8. Bộ này cũng sẽ tiếp tục giám sát việc xả thải, đồng thời công bố kết quả phân tích mẫu nước biển hằng tuần trong vòng ba tháng tới.
Mặc dù việc xả thải giúp giải tỏa một nỗi lo, nhưng cái giá phải trả chắc chắn “không rẻ”. Chưa tính tới rủi ro, bản thân nỗ lực giám sát và bảo đảm an toàn sẽ là gánh nặng lâu dài về kinh tế, trong khi những tranh luận liên quan tới nước thải sẽ là vấn đề đau đầu trên phương diện ngoại giao mà Nhật Bản phải chấp nhận đương đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.