Dù gặp phải sự chỉ trích quyết liệt từ các tổ chức bảo vệ động vật, từ đầu tháng 9, nhiều ngư dân vẫn đổ về vùng biển ven thị trấn Taiji (Nhật Bản) để bắt đầu mùa săn cá heo.
Kéo dài 5 tháng (kể từ tháng 9), mỗi năm hàng nghìn con cá heo bị ngư dân Nhật bắt và giết tại vùng biển này.
Phần lớn các con vật này sẽ bị mổ lấy thịt, một số nhỏ được giữ lại để bán cho các vườn thú, thủy cung trên khắp thế giới.
Mỗi ngày, hàng chục chiếc tàu lại bắt đầu ra khơi, nhằm thẳng tới nơi các đàn cá heo trú ngụ. Khi tìm thấy chúng, thuyền viên trên tàu bắt đầu cắm những thanh thép dài xuống mặt nước và dùng búa gõ. Sóng âm tạo ra làm đàn cá trở nên hoảng loạn, dễ dàng bị dẫn dụ vào vùng biển cạn gần bờ.
Trước đây, ngư dân Nhật sử dụng móc sắt để đâm vào thân cá và đợi chúng chảy máu đến chết. Sau khi chịu nhiều chỉ trích vì hành vi man rợ, ngày nay, đàn cá heo thường bị giết bằng một thanh kim loại nhọn đâm vào não.
Nước biển chuyển sang màu đỏ vì máu cá heo. Ảnh: Japan Times |
.
Những con cá heo nhỏ được thả trở lại biển cũng không thể tồn tại lâu, do thiếu sự hỗ trợ của con trưởng thành. Ngoài ra, khi thấy đồng loại bị giết, những con còn sống phát ra tín hiệu thể hiện sự tổn thương, đau buồn tương tự như con người.
Năm 2009, Louie Psihoyos, phóng viên kênh National Geographic, từng bí mật ghi hình mùa săn cá heo. Bộ phim tài liệu The Cove đã đem về cho tác giả giải thưởng Oscar, đồng thời tạo nên một làn sóng chỉ trích gây gắt trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 1.800 đơn vị được chính phủ Nhật Bản cho phép tham gia săn bắt cá heo. Nếu tính cả săn cá voi, cá heo cảng (porpoise)…, số lượng là hơn 16.000.
Năm 2015, dưới sức ép của các tổ chức bảo vệ động vật, Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Thế giới (WAZA) đã có lệnh cấm mua bán cá heo có nguồn gốc từ những cuộc săn bắt gây tranh cãi. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều vườn thú không trực thuộc WAZA sẵn sàng nhập cá heo từ Taiji.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.