Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản: Tiếp tục “cuộc chiến” tại Fukushima

Tuấn Minh| 07/09/2013 07:42

(HNM) - Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vừa quyết định chi khoảng 50 tỷ yen (tương đương 500 triệu USD) để tẩy sạch ô nhiễm tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Nhà máy Fukushima.



Đã hơn hai năm trôi qua kể từ sau thảm họa kép động đất, sóng thần kinh hoàng xảy ra tháng 3-2011, thế nhưng mối lo ngại về an ninh hạt nhân không chỉ là chủ đề "nóng" trên nghị trường mà còn trở thành mối quan tâm thường trực của người dân sống xung quanh Nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vận hành nhà máy này, mới đây thừa nhận rằng, 300 tấn nước nhiễm xạ đã rò rỉ khỏi một số thùng chứa nước nhiễm xạ trong gần 1.000 thùng chứa của nhà máy Fukushima. Khẳng định trên của TEPCO đang làm dấy lên quan ngại số nước nhiễm xạ có thể theo hệ thống thoát nước chảy ra Thái Bình Dương. Đây là sự cố rò rỉ nghiêm trọng nhất kể từ khi 3 lò phản ứng của nhà máy bị tan chảy sau thảm họa năm 2011.

Sự lo ngại càng dâng cao khi trong một thông báo được TEPCO phát đi tuần qua cho thấy, chỉ số phóng xạ cao nhất được phát hiện lên tới 1.800 millisievert (mSv)/h tại một trong các thùng chứa, liều lượng có thể gây chết người nếu bị phơi nhiễm trong 4 giờ đồng hồ. Các điểm nóng phóng xạ này được phát hiện trong quá trình TEPCO kiểm tra định kỳ hằng ngày tại 3 thùng chứa và một đường ống nối các thùng này với khu vực bị hư hại trong thảm họa hạt nhân. Một quan chức TEPCO cho biết, không thể loại trừ khả năng có những điểm rò rỉ mới tại các thùng chứa trên. Tuy nhiên vẫn may mắn là không thùng chứa nào có biểu hiện mực nước bên trong rút xuống rõ ràng. Vì thế, TEPCO đang phải xử lý một lượng lớn nước nhiễm xạ sau khi sử dụng nước để làm nguội các lò phản ứng bị phá hủy. Theo khuyến cáo của TEPCO, bất cứ ai tiếp xúc với lượng nước nhiễm xạ này trong vòng một giờ sẽ bị phơi nhiễm một lượng phóng xạ tương đương với lượng mà một công nhân nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản được phép tiếp xúc trong 5 năm. Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã quyết định nâng mức đánh giá tình trạng nghiêm trọng của vụ việc lên cấp độ 3 trong Thang cảnh báo quốc tế về sự cố hạt nhân (INES).

Nhằm trấn an dư luận cũng như mối quan ngại của các chuyên gia hạt nhân trong và ngoài nước, Thủ tướng S.Abe sẽ tập hợp các thành viên trong đội ứng phó với thảm họa hạt nhân để thống nhất về cách ứng phó của Chính phủ. Với khoản "cứu trợ" khẩn cấp 50 tỷ yên, đội ứng phó sẽ cho phong tỏa khu đất xung quanh các tòa nhà chứa lò phản ứng để ngăn nước ngầm xâm nhập. Các nhà khoa học sẽ đưa chất làm lạnh đặc biệt qua các đường ống dưới lòng đất để tạo ra một "bức tường băng" ngăn dòng chảy nước ngầm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ cấp vốn cho dự án nâng cấp hệ thống khử phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Quyết định trích 50 tỷ yên từ quỹ khẩn cấp trong ngân sách tài khóa 2013-2014 được đưa ra giữa lúc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang gồng mình để duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình ở mức 3% trong giai đoạn 2013-2022. Điều đó cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc giải quyết sự cố và bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng khi hôm nay (7-9) ông S.Abe sẽ có bài thuyết trình lần cuối trước Ủy ban Olympic quốc tế tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) để quyết định xem Tokyo liệu có được chọn làm nơi tổ chức Olympic Mùa hè năm 2020 hay không. Thực tế là khu vực xảy ra sự cố hạt nhân của Nhà máy Fukushima số 1 chỉ cách Tokyo 230km.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản: Tiếp tục “cuộc chiến” tại Fukushima

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.