Nhật Bản là một quốc gia sáng tạo dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực công nghệ, nhưng nhiều năm qua chính phủ nước này vẫn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin trên đĩa mềm 1,44 MB hay đĩa CD-ROM khi nộp tài liệu.
Thực tế, từ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề kỹ thuật số Taro Kono đã kêu gọi các cơ quan khác nhau của Chính phủ Nhật Bản chấm dứt yêu cầu khối doanh nghiệp gửi thông tin qua các hình thức công nghệ lỗi thời.
Tới nay, lời kêu gọi này đã bắt đầu tạo ra thay đổi. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện chuyển đổi kể từ năm 2024. Theo đó, METI sẽ không còn yêu cầu các doanh nghiệp gửi dữ liệu trên đĩa mềm và CD-ROM đối với 34 thủ tục hành chính. Dù vậy, việc chấm dứt hoàn toàn sử dụng các phương tiện lưu trữ cũ kĩ này vẫn cần nhiều thời gian.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn còn khoảng 1.900 thủ tục ở các cơ quan chính phủ đòi hỏi tài liệu phải gửi qua đĩa mềm 1,44 MB (còn gọi là đĩa mềm 3,5 inch), CD-ROM và thậm chí cả MiniDiscs. Đây cũng là những phương tiện lưu trữ phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp của nước này như cung cấp tiện ích, hoạt động khai thác mỏ, thậm chí là sản xuất máy bay và vũ khí.
Dù vậy, giới chuyên môn cho rằng, việc Nhật Bản tiến tới ngừng sử dụng đĩa mềm là xu hướng tất yếu. Bởi lẽ có quá nhiều yếu tố khách quan thúc đẩy tiến trình này, mà trước hết chính là sự khan hiếm đĩa mềm. Sony, nhà sản xuất đĩa mềm lớn cuối cùng, đã ngừng bán loại thiết bị này từ năm 2011. Trong khi đó, những dữ liệu hiện đại không còn vừa với đĩa mềm. Ngày nay, một bức ảnh duy nhất có thể vượt xa dung lượng 1,44 MB của một chiếc đĩa mềm.
Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp vẫn dựa vào đĩa mềm. Một số máy bay cũ vẫn cần chúng cho hệ thống điện tử hàng không, trong khi nhiều thiết bị y tế cũ chỉ "làm việc" với đĩa mềm.
Không riêng gì Nhật Bản mà Chính phủ Mỹ cũng phải đến năm 2019 mới ngừng sử dụng đĩa mềm trong công tác điều phối phóng vũ khí hạt nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.