Ngày 22-5, hãng thông tấn Kyodo cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét kế hoạch chi trả đầy đủ chi phí sinh con cho người dân thông qua hệ thống bảo hiểm y tế công cộng từ năm tài chính 2026.
Theo hệ thống bảo hiểm y tế ở Nhật Bản, mọi người về cơ bản phải tự chi trả 10% đến 30% chi phí y tế khi điều trị bệnh tật và thương tích. Sinh thường không được coi là bệnh tật, do đó không được hưởng chế độ bảo hiểm.
Tuy nhiên, Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch mới, cho phép người dân không phải chịu bất cứ chi phí sinh nở nào.
Một rào cản đáng chú ý với nỗ lực này là việc các tổ chức y tế tại Nhật Bản có thể tự đặt mức giá cho việc sinh thường, do đó chi phí sinh con ở nước này có sự chênh lệch lớn, với ngưỡng trung bình trên toàn quốc là khoảng 503.000 yên (tương đương khoảng 3.200 USD).
Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy chi phí sinh con đắt nhất là ở Tokyo, trung bình 605.000 yên và rẻ nhất ở tỉnh Kumamoto ở phía Tây Nam Nhật Bản, ở mức 361.000 yên.
Hiện nay, Nhật Bản cũng đang hỗ trợ người dân trang trải chi phí sinh nở, với khoản thanh toán một lần 500.000 yên cho mỗi lần sinh con, tăng từ 420.000 yên vào tháng 4-2023 do chi phí sinh nở tăng lên trong bối cảnh lạm phát và tăng chi phí liên quan đến nhân viên y tế.
Như vậy, nếu việc sinh con được bảo hiểm chi trả, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải đề ra một mức giá thống nhất trên toàn quốc, đồng thời điều chỉnh lại các chính sách hỗ trợ sinh nở có liên quan.
Dự kiến, Nhật Bản sẽ thành lập một hội đồng chuyên gia để đi sâu vào các vấn đề nhằm thúc đẩy gói hỗ trợ mới, trong đó bao gồm việc định nghĩa khái niệm sinh thường đủ điều kiện hưởng bảo hiểm.
Hội đồng dự kiến sẽ có sự tham gia của các chuyên gia từ các tổ chức y tế và những người có thể đại diện cho các bà mẹ tương lai và thế hệ nuôi dạy trẻ em...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.