(HNM) - Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế
Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận “một cửa liên thông”. Ảnh: Linh Tâm |
Hiệu quả bước đầu
TP Hà Nội đã thực hiện liên thông giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực: Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng; đăng ký kinh doanh (ĐKKD), đăng ký thuế và con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (DN) và một số thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai. Với sự chỉ đạo tích cực của UBND TP đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc liên thông trong lĩnh vực ĐKKD, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với DN.
Trước đây, DN phải mất 10 ngày để làm thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận ĐKKD và đăng ký mã số thuế (tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục thuế) nhưng sau khi áp dụng Quyết định số 112/2009/QĐ-UBND của UBND TP, DN chỉ cần giao dịch tại 1 nơi và trong 5 ngày là có Giấy chứng nhận đầy đủ cả 2 nội dung đăng ký. Tiếp đó, để khắc phục tình trạng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho DN vẫn do các cơ quan thực hiện hoàn toàn độc lập chứ chưa đúng tính chất liên thông, TP đã chỉ đạo thực hiện thí điểm việc liên thông cấp ĐKKD và mã số thuế tại phòng ĐKKD số 3 (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư); rồi từ ngày 1-2-2010, TP yêu cầu chính thức áp dụng trên toàn địa bàn TP. Sau 5 tháng thực hiện cho thấy, các phòng ĐKKD đã cấp mới cho 7.025 DN thành lập mới và 19.000 lượt DN thay đổi nội dung ĐKKD; tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt 99,6%. Tại UBND cấp huyện, nhất là những đơn vị đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính như các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên…, việc "liên thông" được coi trọng nên trong nhiều thủ tục của lĩnh vực đất đai đã giảm được thời gian giải quyết từ 15 đến 20 ngày.
Cơ chế liên thông còn được thực hiện trong việc tiếp nhận, giải quyết một số TTHC khác như: cấp phép thực hiện quảng cáo tấm lớn (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và một số sở, ngành liên quan); các thủ tục thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với chủ sử dụng đất (phối hợp giữa các ngành tài nguyên - môi trường (TN&MT), thuế, kho bạc nhà nước)… Kết quả cho thấy, thực hiện cơ chế "liên thông" đã rút ngắn thời gian giải quyết, giảm đi lại nhiều lần cho tổ chức và công dân.
Còn nhiều vướng mắc
Việc "liên thông" được thực hiện theo đúng nguyên tắc: giao một cơ quan chủ trì làm đầu mối lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để giải quyết TTHC liên thông. Vì vậy, chủ đầu tư chỉ phải làm việc với cơ quan đầu mối để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Các cơ quan phối hợp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đúng thời hạn, đúng nội dung khi được cơ quan chủ trì đề nghị. Tuy nhiên, đa phần những hồ sơ hành chính liên thông bị giải quyết chậm đều được cơ quan chủ trì giải thích là chưa nhận được trả lời của các cơ quan phối hợp. Trong đó, một số TTHC liên thông có đầu mối tiếp nhận ở "một cửa" của UBND cấp huyện cũng cho rằng văn phòng UBND TP cũng có lúc chậm hồi âm. Như vậy, dù các quy trình giải quyết TTHC đã được công bố công khai thì người dân cũng đành phải… chờ chứ chẳng biết kêu ai. Theo ông Mai Thiện Thành, Phó Trưởng phòng Nội chính UBND TP: Việc tiếp nhận hồ sơ tại "một cửa" của một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, không ít bộ hồ sơ gửi lên TP vẫn chưa đầy đủ thành phần nên bị gửi trả, yêu cầu bổ sung nên làm phát sinh thời gian. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành còn thiếu đồng bộ, thống nhất (Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…) gây khó khăn cho các bên thực hiện.
Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT cũng thừa nhận có nhiều nội dung trong các văn bản luật chồng chéo, đặc biệt là trong việc thẩm định đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của các ngành lại có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như cùng việc điều chỉnh khung giá và lập Quỹ phát triển đất nhưng Bộ Tài chính giao Sở Tài chính thực hiện và UBND TP lại giao cho Sở TN&MT thực hiện; hay trong các vụ việc, Tòa án và Văn phòng Luật sư thường yêu cầu Sở phải cung cấp hồ sơ về đất đai nhưng có những hồ sơ không thể cung cấp…
Theo ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của TP Hà Nội, việc mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật có thể tháo gỡ được thông qua việc kiến nghị đơn giản TTHC của Đề án 30. Song, điều cấp thiết là các sở phải thực hiện yêu cầu của UBND TP: xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa liên thông", trình TP ban hành; tăng cường ứng dụng CNTT và bố trí cán bộ phù hợp để việc phối hợp giải quyết TTHC "liên thông" thật trôi chảy, nhịp nhàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.