Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhang nhác... năm cũ

An Nhi| 10/01/2011 07:42

(HNM) - Năm 2010 là một năm được kỳ vọng phá


Sục sôi dịp cuối năm


Uyên Linh và Mai Hương tại chương trình “Thần tượng âm nhạc”.


Vượt qua nửa năm ngóng chờ của công chúng, cuối năm 2010, làng nhạc Việt có sự chuyển động cực kỳ sôi nổi. Đối với các công ty, hãng phát hành băng đĩa, Giáng sinh và Tết là dịp để họ tung ra sản phẩm đã ngâm nga thực hiện cả năm. Thế nên, quý IV, nhất là tháng 12, khán thính giả no nê với "Giáng sinh an lành" (Hồ Quỳnh Hương), "Bây giờ biển mùa đông" (Đức Tuấn), "Li -ti" (Tùng Dương), "Afterlife" (Xinh Xô), "Cocktail" (Hà Anh Tuấn)... Một số hãng như Phương Nam Film còn tổ chức hội chợ băng đĩa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đúng dịp cuối năm và người nghe đã tìm đến điểm hẹn này khá đông.

"Thần tượng âm nhạc 2010" và "Sao Mai điểm hẹn 2010" là hai sự kiện gây xôn xao làng nhạc Việt nhất trong năm. Những sự kiện này đã khơi dậy sự chú ý của công chúng với nhiều gương mặt mới như Uyên Linh, Mai Hương, Minh Chuyên, Đinh Mạnh Ninh, tạo sự hài lòng cho khán giả. Đặc biệt, ở chương trình "Thần tượng âm nhạc", chưa bao giờ một cuộc thi được thực hiện dưới dạng gần giống một gameshow âm nhạc lại gây "sốt" đến vậy. Dư âm của cuộc thi, của những ca sĩ mới bước ra từ đây vẫn là đề tài được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn trong những ngày qua.

Điều góp phần không nhỏ khiến nhạc Việt sục sôi vào dịp cuối năm là những liveshow "trở về" dày đặc với sự góp mặt của ca sĩ Việt ở nước ngoài như Hương Lan, Tuấn Ngọc, Tuấn Vũ, Hoài Linh, Dương Triệu Vũ, Phi Nhung, Ái Vân... Khán giả, vốn "khát" xem người thật hơn trên băng đĩa lậu, đã lùng sục từng tấm vé để xem "thần tượng".

Chưa có một cái đích

Nhưng phải nhận định rằng âm nhạc Việt hiện nay vẫn còn nhiều xáo trộn. Sự ra đời các sản phẩm theo trào lưu nhạc R&B - nửa Hàn Quốc nửa Nhật Bản, pop - nhạc Hoa lời Việt, rock pha trộn... khá dồn dập về số lượng nhưng theo các nhà chuyên môn, các sản phẩm ấy chưa có chiều sâu thực thụ. Hiếm hoi lắm mới gặp những sáng tạo từ dòng bán cổ điển của Đức Tuấn hay nhạc điện tử pha truyền thống của Tùng Dương...

Nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhận định, âm nhạc Việt 2010 có chuyển động nhưng vẫn nhang nhác "bức tranh" của nhiều năm qua. Rất nhiều dạng hình biểu diễn, thể loại âm nhạc mới cũ trộn lẫn, nhưng vẫn tuột trôi, chưa có bước đột phá. Điều đó thực ra dễ hiểu, bởi cái đích chính của âm nhạc đem đến cho người thưởng thức vẫn còn chưa được định hình. Và công chúng, nhất là giới trẻ quá dễ dàng bị cuốn theo những trào lưu không có chọn lọc. Nhạc sĩ kể, trước đây nước ta đã từng có một Hội đồng Âm nhạc quốc gia để tham mưu cho các nhà lãnh đạo về hoạt động của âm nhạc, từ đó điều chỉnh xu hướng truyền thông, in ấn, biểu diễn để quảng bá âm nhạc đích thực cho người thưởng thức. Nhưng thật tiếc là hội đồng này đã không còn. Bởi thế, hiện nay, những "món ăn" tốt và tồi lẫn vào nhau.

Đã đến lúc điều chỉnh

Thực trạng đã rõ, biến chuyển cũng có nhưng đi đến đích như thế nào, từ đâu vẫn là dấu hỏi lớn cho người làm nghệ thuật. Ở một mảng dễ đi đến với công chúng là băng đĩa nhạc, đại diện Phương Nam Film cho rằng, thị trường băng đĩa nhạc hiện nay có chất lượng hơn những năm trước. Phương Nam Film lâu nay đã chú trọng nâng cao chất lượng, phân loại đối tượng để đưa ra sản phẩm phù hợp và trong năm 2010, doanh số bán album của Đức Tuấn, Tùng Dương, Phạm Duy rất khả quan. Đó là chiến lược mà nhiều đơn vị phát hành băng đĩa nhạc duy trì thực hiện trong thời gian tới với mong muốn dần đem đến phương thức giải trí cao cấp cho người dân.

Những chương trình ca nhạc nhạt nhẽo, được thực hiện chớp nhoáng hiện không còn gây "sốt" vé, không bằng các "đêm nhạc nhỏ" của Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý... Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, đại chúng giờ tìm sản phẩm âm nhạc cao cấp, có chiều sâu, kể cả những gì trước đây được coi là khó nghe. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để nhà sản xuất tạo sự "áp đặt", đưa ra định hướng.

Nhạc sĩ Hồ Quang Bình tỏ ra lạc quan khi đưa ra dự cảm về xu hướng phát triển của nhạc Việt, cả về phía người thực hiện và người thưởng thức. Theo ông, tâm lý hưởng thụ cái đẹp luôn hiện hữu, sẽ trỗi dậy. Âm nhạc đích thực, với những giai điệu hay, dù là cổ điển, bán cổ điển, pop, rock, hip-hop hay điện tử... lúc này còn đang "rối" nhưng không bị tàn lụi. Sẽ có một ngày, chúng được sống trong một "cơ thể" hoàn chỉnh, phát triển, sinh sôi và tạo nên thương hiệu cho nhạc Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhang nhác... năm cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.