Người trong quân phục nâu xám, đội mũ quân sự hơi quá khổ, gây chú ý tại sân bay Hàn Quốc vào tuần trước, đã thăng tiến từ công việc bàn giấy buồn tẻ ở Triều Tiên lên vị trí quyền lực nhất mà không người nào ngoài dòng họ lãnh đạo Kim có được.
Hwang Pyong So, trái, và các phụ tá tham dự lễ bế mạc Thế vận hội Châu Á ở Hàn Quốc hôm thứ bảy tuần trước. |
Ông Hwang Pyong So, hiện là phụ tá quân sự cấp cao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong vòng có vài năm đã được thăng tiến chưa từng có tiền lệ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên. Trong bối cảnh ông Kim Jong-un vắng mặt bí ẩn trước công chúng suốt hơn một tháng qua, ông Hwang thậm chí còn được chú ý tới nhiều hơn.
Tuần trước, ông đã dẫn đầu phái đoàn cấp cao tới Hàn Quốc dự bế mạc Thế vận hội châu Á tại thành phố Incheon. Chuyến thăm của đoàn chỉ được báo trước trong vòng có 24 giờ.
Ông là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên từng thăm Hàn Quốc và chuyến viếng thăng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Có người cho rằng đây có thể là dấu hiện có “biến” ở Bình Nhưỡng.
Ông Hwang, 64 hoặc 65 tuổi, là thành viên của Ban Tổ chức và Chỉ đạo (OGD), một cơ quan quyền lực bí mật của Triều Tiên, cơ quan ra quyết định cuối cùng về việc bổ nhiệm các vị trí trong ban lãnh đạo Triều Tiên. Theo các chuyên gia về Triều Tiên và Bộ thống nhất Hàn Quốc, ông Hwang đã nổi lên là nhân vật quyền lực số 2 ở Triều Tiên, sau nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Có thời điểm OGD do nhà lãnh đạo Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo hiện nay của Triều Tiên, đứng đầu.
Ông Hwang phối hợp với ông Kim Jong-un vào cuối những năm 2000, khi nhà lãnh đạo trẻ lần đầu tiên được báo chí trong nước nhắc tới tên trong các ủy nhiệm thư của đảng và quân đội.
Khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cha ông qua đời năm 2011, ông Hwang nằm trong số nhóm cố vấn của ông Kim. Khi những người khác bị loại dần, vào đầu năm nay ông Hwang trở thành người đứng đầu Tổng cục chính trị của quân đội, một vị trí quyền lực, huy động được quân đội cho nhà lãnh đạo Kim.
Tháng trước, ông cũng trở thành phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Triều Tiên, được xem là một trong những vị trí quan trọng nhất Triều Tiên. Ông Kim Jong-un là chủ tịch của Ủy ban này.
Jang Jin-sung, một người Triều Tiên tị nạn, từng làm việc trong cơ quan tuyên truyền trong đảng Lao động Triều Tiên, cho biết việc một thành viên kỳ cựu của OGD thăng tiến lên một vị trí quan trọng như trên là vô cùng bất thường.
“Những người này “lộ diện” chỉ khi có một cuộc thanh trừng hoặc xử tử”, ông Jang nhận định.
Ban lãnh đạo quân sự Bình Nhưỡng đã ở trong tình trạng cải tổ liên tục kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.
Chú dượng của ông Kim, Jang Song Thaek, người cũng từng được xem là nhân vật số hai ở Bình Nhưỡng, đã bị thanh trừng và xử tử vào cuối năm ngoái.
Người thay thế ông Jang, ông Choe Ryong Hae, đã bị giáng cấp nhiều lần kể từ đó. Giờ đây, ông đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Ủy ban thể thao nhà nước, vị trí mà ông Jang cũng đã nắm giữ trước khi bị xử tử. Ông Choe cũng đã tháp tùng ông Hwang trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua.
Một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cho biết ông Choe đã bị thất sủng vì không chuẩn bị tốt cho quân đội khi ông là người đứng đầu về chính trị trong quân đội Triều Tiên.
Báo chí Triều Tiên hồi tháng 4 vừa qua cho biết ông Kim đã nhấn mạnh tới “những điểm yếu nghiêm trọng” ở một đơn vị pháo mà ông cho rằng không thực hiện được “công việc chính trị của đảng”, một nhiệm vụ của ông Choe.
Hồi tháng 7 vừa qua tờ Daily NK có trụ sở tại Seoul hé lộ, ông Kim Jong-un đã mất thêm lòng tin ở ông Choe, khi ông biết ông này giấu hàng triệu đô la trong một tài khoản ngân hàng bí mật của Trung Quốc.
Bạn tâm tình của nhà lãnh đạo trẻ
Dù có ít kinh nghiệm về quân sự, nhưng ông Hwang vẫn đeo quân hàm tương đương tướng 4 sao. Nhưng điều này không có gì là bất thường trong ban lãnh đạo Triều Tiên.
“Ông Hwang được thăng tiến bởi ông Kim Jong-un ấn tượng với đơn vị của ông, là đơn vị được chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tốt nhất trong các đơn vị ông Kim đã thị sát”, một nguồn tin thân cận với ban lãnh đạo Triều Tiên hé lộ.
Được biết đến là người bạn tâm tình thân thiết với nhà lãnh đạo trẻ, ông Hwang mới vài lần công cán ra nước ngoài trước khi có chuyến công du tới Hàn Quốc vào thứ bảy tuần trước.
Ông đi bằng máy bay VIP, có biểu tượng nhà nước Triều Tiên, và được hộ tống bởi đội vệ sỹ đeo kính đen, tai nghe.
Trong chuyến công du 12 giờ, ông Hwang thường xuyên mỉm cười, xem pháo hoa và nhạc pop Hàn Quốc tại lễ bế mạc Thế vận hội và đôi khi nói chuyện theo cách mà hầu như không thể chắc ông đang nói gì – theo văn bản ghi lời thoại chính thức.
Michael Madden, chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo triều Tiên, cho biết những người đã gặp ông Hwang nhận xét ông là người không ngạo mạn, có thể thương lượng “và rất dễ chịu khi tiếp xúc”.
Nhưng ở quê nhà, ông là nhân vật có vẻ cứng rắn. Tại một buổi lễ của quân đội ở Bình Nhưỡng hồi tháng 7, ông Hwang kêu gọi quân đội chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến hạt nhân với Mỹ.
“Nếu Mỹ coi thường chủ quyền của chúng ta…quân đội chúng ta sẽ phóng rocket hạt nhân tới Nhà Trắng và các căn cứ lớn của Mỹ ở trong và quanh Thái Bình Dương”, ông Hwang tuyên bố.
Ông Hwang lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí nhà nước Triều Tiên 10 năm trước khi ông chào nhà lãnh đạo Kim Jong-il với vẻ “vui mừng khôn xiết” tại một buổi hòa nhạc.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố ít thông tin về ông Hwang, chỉ có công việc, cấp bậc và năm sinh, 1949, giống như nhiều quan chức khác ở quanh ông Kim Jong-un. Trong khi đó, cha của ông Kim, thường được các “bô lão” 80 tuổi hỗ trợ,
Giới chuyên gia hiện vẫn còn tranh cãi về vai trò của OGD và ông Hwang đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng họ đều cho rằng sự phụ thuộc giữa bộ khung trong đảng và gia đình ông Kim từ lâu khó có thể tách rời.
“Ông Hwang là người đã có một cú nhảy vọt từ bóng tối ra ánh sáng”, người tị nạn họ Jang nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.